Ai cũng biết những địa điểm tâm linh là nơi linh thiêng, du khách tới đây phải mặc sao cho lịch sự, kín đáo. Dù đây là quy tắc bất thành văn, phép lịch sự tối thiểu, thậm chí có nơi có biển thông báo nhưng vẫn có du khách vô tư khoác lên mình những trang phục không phù hợp, hở hang lộ liễu, cắt xẻ táo bạo. Dù đã bị dư luận nhiều lần chỉ trích nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại.
Năm 2021, hình ảnh nhóm phụ nữ ăn mặc phản cảm tại chùa Linh Quy pháp ấn Lâm Đồng đã được chia sẻ rộng rãi. Những người này mặc trang phục ôm sát, áo ngắn hở bụng tập yoga tạo dáng ở khu vực cổng Trời trước chùa. Năm 2022, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nghệ sĩ đội tóc giả gái, mặc trang phục giả gái vừa hát vừa nhảy múa trên sân khấu, tại đại lễ cắt băng khánh thành ngôi tổ đường chùa Sùng Minh, Hải Dương. Màn biểu diễn đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận vì xúc phạm nghiêm trọng, phá vỡ không gian thanh tịnh linh thương vốn có của ngôi chùa. Trước sự việc này, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc mặc váy ngắn ở chùa là phản cảm…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn về ăn mặc, ứng xử tại các điểm di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa có. Một số chùa chiền, khu di tích đã quy định không cho du khách ăn mặc không phù hợp vào tham quan. Thay vào đó, Ban quản lý cho du khách mượn trang phục kín đáo để đảm bảo tính văn hóa, sự văn minh và tính tôn nghiêm.
Năm 2017, sau khi công bố Bộ quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng, một loạt các di tích trong thành phố Hà Nội như Đền Ngọc Sơn, di tích Hỏa Lò đã tổ chức cho du khách mượn áo choàng. Tuy nhiên, hiện nay một số địa điểm đã không còn những quầy này. Vì thế, tình trạng một số du khách ăn mặc không phù hợp tham quan vẫn xảy ra. Các du khách này cũng không bị ai nhắc nhở hay gặp khó khăn khi đi tham quan. Theo các chuyên gia, trang phục thời trang là quyền của mỗi người. Nhưng luôn có một quy tắc đó là phải phù hợp với mục đích, đối tượng và đặc điểm nơi mình đến.
"Có 3 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là không gian bối cảnh. Thứ hai là màu sắc trang phục, thứ ba là vóc dáng cơ thể để khi mặc lên toát lên hết vẻ đẹp về cả hình thể và nội tâm. Nếu trước khi đi đâu có tìm hiểu trước về địa điểm đó như thế nào thì sẽ chọn trang phục phù hợp, để làm sao khi đăng tải hình ảnh lên mạng thì sẽ được khen ảnh đẹp, có kiến thức về trang phục và văn hóa. Hai yếu tố đó hòa quyện sẽ tạo ra một người văn minh, có văn hóa khi sử dụng trang phục ", NTK Quang Huy cho biết.
Trong những năm gần đây, điều đáng mừng là Ban quản lý các khu di tích tâm linh đã có sự kiên quyết khi xử lý các hành vi lệch chuẩn về văn hóa. Điều đó đã góp phần quan trọng để trả lại tính chất vốn có của lễ hội, nâng cao nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người dân với di sản. Điều quan trọng để đảm bảo nét đẹp trong văn hóa của di tích thuộc trách nhiệm của 2 bên, thứ nhất là công tác tổ chức quản lý sát sao của Ban quản lý, thứ hai là nhận thức của người dân về các chuẩn mực văn hóa. Bởi y phục xứng kỳ đức, văn hóa không chỉ thể hiện ở học thức mà còn cho thấy ngay trên trang phục của con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!