Có thể nói, nền văn học nghệ thuật hình thành qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một trong những trang rực rỡ nhất trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Đáng nói hơn, chính nền văn nghệ ấy đã trở thành vũ khí sắc bén giúp một dân tộc nhỏ bé chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Khơi nguồn, mở lối cho nền văn nghệ đó chính là Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được xem như cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa.
Năm 1943, dưới ách thống trị một cổ hai tròng của thực dân Pháp, phát xít Nhật, 90% người dân mù chữ, đời sống tinh thần xã hội ngột ngạt, nhiều trí thức Việt Nam có phần hoang mang, bi quan, bế tắc. Đảng ta xác định, việc cần kíp ngay lúc này là thống nhất nhận thức, tư tưởng định hướng học thuật cho văn sĩ tri thức xây dưng phong trào văn hóa cứu quốc, nhằm đập tan chính sách ngu dân, âm mưu đồng hóa văn hóa của thực dân Pháp, và tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đi theo cách mạng. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã sớm khẳng định vai trò của văn hóa, coi đây là 1 trong 3 mặt trận cùng với chính trị, kinh tế, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy. 3 nguyên tắc của văn hóa mới Việt Nam là dân tộc, khoa học và đại chúng. Ra đời trong bối cảnh lịch sử đó, bản Đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
"Đề cương đã dự báo một cách tài tình rằng có 2 ức thuyết sau đề cương. Ức thuyết thứ nhất là văn hóa phát xít phát triển thắng lợi thì văn hóa Việt Nam sẽ trở nên nghèo nàn và yếu kém. Và ức thuyết thứ 2 là cách mạng dân tộc dân chủ thắng lợi thì văn hóa mới Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Sau năm 45 cách mạng thành công, ức thuyết thứ 2 bắt đầu trở thành hiện thực", GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương – cho biết.
Phần lớn trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, dù giàu lòng tự tôn dân tộc, khát khao dân chủ và tự do, nhưng chưa được thức tỉnh về con đường giải phóng dân tộc nên, hoặc là còn đang mò mẫm tìm đường, hoặc là "án binh bất động", nghe ngóng, chờ thời. Nhiều người tìm thú vui trong những trò tiêu khiển vô thưởng, vô phạt hay những tìm tòi siêu thực. Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, với họ như "đi giữa đêm đông nhìn thấy ngọn đuốc soi đường để đến với cách mạng".
"Dân tộc, khoa học, đại chúng"- những nguyên tắc cơ bản này của Đề cương văn hóa Việt Nam đã soi sáng cho dân tộc suốt thời kỳ chiến tranh giữ nước, và được tiếp nối, phát triển không ngừng. Đó là tư tưởng đặt văn hóa ngang với kinh tế, chính trị, "văn hóa cũng là một mặt trận" và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Với đội ngũ văn nghệ sĩ hôm nay, tinh thần "nghệ thuật vị nhân sinh" vẫn là ánh sáng soi đường, nhắc nhở mỗi người cầm bút về sứ mệnh của văn chương, nghệ thuật.
Ít có dân tộc nào trên thế giới có bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước lâu dài như Việt Nam. Chúng ta đã chiến thắng chính vì sức mạnh tinh thần, cũng là sức mạnh văn hóa. 80 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở, làm sao để biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, tạo ra những thành quả to lớn, vĩ đại như đã từng làm được trong quá khứ. Sức mạnh ấy không ở đâu xa, nó ở ngay trong tư tưởng, lối sống, hành vi của mỗi người, và thấm trong từng lời ca, tiếng hát, thước phim… đầy trách nhiệm của người nghệ sỹ trước cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!