Bài toán nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/08/2024 14:06 GMT+7

VTV.vn - Chỉ khi có nguồn nhân lực chất lượng cao thì mới có hy vọng tạo ra đột phá trong ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đầy tiềm năng.

Nguồn nhân lực là một trong những tài nguyên đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa là một trong các vấn đề cấp thiết hiện nay.

“Với nghệ sĩ, họ không có nhiệm vụ kinh doanh. Nhiệm vụ đó được đảm nhiệm bởi đơn vị tổ chức sản xuất và phát hành. Cũng giống như một bông hoa, nhiệm vụ của nó là tỏa hương, còn việc đưa bông hoa đến người thưởng thức thì là việc của người bán hoa” - ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật nền tảng sáng tạo nghệ thuật Lên ngàn chia sẻ - “Nó đòi hỏi những người đi theo ngành này phải có bộ kỹ năng tương đối lớn, hay phải nói là phức tạp để có thể thực hành được nó. Đó là những kỹ năng về quản trị, quản lý, nhận thức, tìm từ khóa, tiếp cận đối tượng mục tiêu như thế nào, khai thác chủ đề ra sao, đan xen nó vào các kế hoạch kinh doanh, vận hành, làm việc với cộng đồng, nghệ sĩ như thế nào… những điều đó mang đến thách thức rất lớn”.

Trước đây, hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ta chủ yếu diễn ra dưới mô hình đơn ngành truyền thống. Hiện tại, mô hình này đang bộc lộ bất cập trước nhu cầu về nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa sáng tạo. Hiện cả nước có 120 cơ sở đào tạo văn hóa công lập và tư nhân, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành văn hóa nghệ thuật. Nguồn nhân lực thuần túy nếu không được đào tạo quy trình sản xuất công nghiệp thực thụ thì khó biến những giá trị văn hóa thành điểm nhấn của sản phẩm, vừa khẳng định được thương hiệu vừa tạo ra nguồn lực về kinh tế.

Từ năm 2016 tới nay, hơn 300 sinh viên, giảng viên trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài theo Đề án phát triển nguồn nhân lực thuộc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Bản thân các đơn vị đào tạo trong nước cũng đang dần đổi mới, cập nhật xu hướng trong chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế của công nghiệp văn hóa.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ yêu cầu đổi mới nội dung chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là nhiệm vụ cấp bách của các cơ sở đào tạo, bởi chỉ khi có nguồn nhân lực chất lượng cao thì mới có hy vọng tạo ra đột phá trong ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đầy tiềm năng.

Ngành công nghệ thông tin 'khát” nhân lực chất lượng cao Ngành công nghệ thông tin "khát” nhân lực chất lượng cao

VTV.vn - Các tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp IT đã và đang dần chuyển dịch từ "lượng" sang "chất."

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước