Một điều mà khán giả dễ dàng thấy là số lượng phim Việt ngày càng tăng. Năm 2019, số lượng phim Việt được phát hành là 40 phim, tăng nhẹ so với năm 2018. Tuy nhiên, một nghịch lý là dù tăng nhẹ nhưng thị phần phim Việt trong năm chỉ đạt 23% trên tổng doanh thu toàn thị trường, giảm 1% so với năm 2017 và 2% so với năm 2016.
220 triệu đồng cho một bộ phim, mức doanh thu mà có lẽ những nhà làm phim lạc quan nhất cũng không thể nghĩ đến. Điểm lại 13 phim có doanh thu thấp nhất trong mùa hè vừa qua, một điểm chung là hầu hết đều do các nhà làm phim trẻ thực hiện. Nguyên nhân của sự thất bại này được giới chuyên môn nhận định không gì khác ngoài 3 chữ "chất lượng phim".
Sự trồi sụt về doanh thu phim khiến giới chuyên môn lo lắng. Đã có nhiều đạo diễn trẻ buộc phải lên tiếng nhờ khán giả cứu lấy phim của mình. Tuy nhiên, việc giải cứu phim không phải đơn giản như giải cứu nông sản. Để cứu lấy mình, trước tiên bộ phim đó phải có sức sống. Một yếu tố nữa đem lại sức sống hơn cho phim Việt là khâu kịch bản, hay đúng hơn là có được nhiều người viết kịch bản lành nghề. Sức sống từ những gương mặt mới là điều cần thiết, nhưng để khán giả chịu đến rạp, còn cần rất nhiều điều kiện, trong đó có sự cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật, yếu tố thương mại và cả nhu cầu từ khán giả.
Chỉ còn vài ngày nữa Liên hoan Phim Việt Nam sẽ diễn ra. Giới chuyên môn lo lắng sẽ không dễ để tìm ra được tác phẩm xứng đáng với giải Bông sen vàng. Còn với khán giả Việt, dù ưu ái đến đâu, chất lượng phim mới là yếu tố quyết định để họ đến với phim. Sự phập phù về chất lượng phim không chỉ phản ánh thực trạng yếu kém từ nguồn nhân lực mà còn cho thấy, điện ảnh Việt chưa thể "dạm ngõ" với khu vực, đừng nói đến việc xa xôi là trở thành nền công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp, đúng nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!