Bạo lực ngôn từ như lưỡi dao vô hình đâm vào bất kỳ ai

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/04/2023 12:13 GMT+7

VTV.vn - Một vài bình luận đổ lỗi cho nạn nhân, miệt thị người khác có nguy cơ châm ngòi cho những cuộc tấn công mạng.

Người xưa có câu "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Vết thương do đòn roi gây ra sẽ lành sẹo theo thời gian nhưng những tổn thương về tinh thần do lời lẽ bình phẩm ác ý, thóa mạ dồn dập rất dai dẳng. Trong thời đại số, mạng xã hội được coi là đời sống thứ 2 của nhiều người. Mạng ảo và đôi khi là ẩn danh nên nhiều ngôn từ được phát ra một các dễ dàng hơn. Người dùng dễ dàng buông ra những phát ngôn, bình luận sát thương, thậm chí là bình phẩm miệt thị, phán xét một ai đó rồi nhanh chóng biến mất sau bàn phím. Công kích tập thể, thành lập các hội nhóm anti (tẩy chay) như quan tòa phán xét sự việc khi chưa rõ đúng sai là hiện tượng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Bạo lực ngôn từ như lưỡi dao vô hình đâm vào bất kỳ ai.

Là người từng bị tấn công trên mạng xã hội vì đưa ra những ý kiến khác biệt, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương chia sẻ: "Đọc được những bình luận như vậy, chúng tôi cảm thấy cực kỳ lo sợ, mất niềm tin trong cuộc sống. Bản thân tôi khi bị bạo lực mạng cũng từng rơi vào trạng thái như vậy. Tôi cảm thấy nếu tôi bước chân ra ngoài thì sẽ có một đội quân chờ sẵn ném đá tôi đến chết".

Đối với những người phát ngôn, bình luận, một lời nói có thể là sự vô tình hay câu bông đùa thiếu suy xét. Thế nhưng, với người nghe, đó là lời miệt thị. Vì thế, một vài bình luận đổ lỗi cho nạn nhân, miệt thị người khác có nguy cơ châm ngòi cho những cuộc tấn công mạng, lôi kéo đám đông thiếu thông tin hoặc chưa suy xét thấu đáo, cẩn trọng về một câu chuyện hay nhân vật, vụ việc nào đó.

"Có những trường hợp tấn công mạnh quá dẫn đến các bạn không muốn đi học, không dám đối diện với xã hội nhỏ của mình. Như vậy, cả gia đình nạn nhân đều bị tổn thương trầm trọng trong câu chuyện mà đôi khi chính họ không có lỗi gì cả. Căng thẳng hơn, có nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm phải điều trị bằng thuốc, bằng y học, thậm chí có trường hợp tách rời và không muốn tiếp xúc xã hội", TS. Vũ Thu Hương cho biết thêm.

Tâm lý a dua, tâm lý đám đông trên không gian mạng đã khiến một vài bình luận trở thành tâm bão bạo lực ngôn từ. Nhiều bình luận ác ý, hạ nhục khiến nhiều người bị tổn thương hoặc rơi vào trầm cảm kéo dài. Không ít nạn nhân trong đó đã tìm đến cái chết. Những người thóa mạ, phán xét ác ý người khác không biết rằng có một ngày, chính họ hay người thân của họ cũng có thể trở thành nạn nhân.

Tại Việt Nam, nhiều người đã từng bị xử lý theo quy định của pháp luật vì hành vi mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người liên quan. Đầu tháng 4, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng với 4 đồng phạm vì tội danh này.

Cách đây vài ngày, Twitter đã công bố các quy tắc ngầm nhằm ngăn chặn bạo lực ngôn từ trên nền tảng này. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới có các quy định rõ ràng và nghiêm minh để bảo vệ các cá nhân khỏi các cuộc tấn công ở trên mạng.

Nạn nhân bạo lực mạng: Vết thương dù lành vẫn chi chít sẹo Nạn nhân bạo lực mạng: Vết thương dù lành vẫn chi chít sẹo

VTV.vn - Xúc phạm, thậm chí là bắt nạt qua mạng bằng những bình luận, bình phẩm ác ý, tiêu cực đang là vấn nạn trên không gian mạng. Mạng là ảo, nhưng nỗi đau, hệ luỵ là thật

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước