Nhiều vụ án thương tâm xảy ra vì lý do không đâu như ghét vì nhìn đểu, ghét vì thái độ, nhưng kết cục của những vụ án này đều rất đau lòng, người chết, kẻ vướng vào vòng lao lý. Điều đáng tiếc là những vụ việc như vậy ngày càng xảy ra nhiều, được ghi lại và phát tán trên mạng xã hội. Xô xát, ẩu đả có thể xuất phát từ nguyên nhân rất nhỏ như va chạm nhỏ trên đường, một lời góp ý không vừa tai hay thậm chí chỉ là một cái nhìn thiếu thiện chí. Liệu có phải nhiều người đang có xu hướng dễ nổi nóng, mất kiểm soát, bạo lực hơn?
Thượng tá – TS.Đào Duy Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học – cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là sự xuống cấp về mặt văn hóa xã hội, đạo đức. "Con người dựa trên việc thỏa mãn lợi ích cá nhân của mình, lối sống vị kỷ thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân. Khi có cảm giác lợi ích của mình bị xâm hại bởi ai đó thì người ta sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để giải tỏa bức xúc tâm lý, đặc biệt xu hướng gia tăng sự vô cảm trong đời sống xã hội hiện nay rất đáng lo ngại", TS.Đào Duy Hiếu chia sẻ.
Chỉ cần gõ từ khóa "đánh nhau" trên Google, người dùng ngay lập tức nhận được khoảng 200 triệu kết quả, bao gồm hình ảnh, âm thanh và các tin tức liên quan đến các vụ đánh nhau. Đặc biệt, trên các nền tảng xem video tràn ngập các hình ảnh bạo lực, tai nạn giao thông hay video mang ngôn từ thù hận, tính kích động dễ dàng để mọi lứa tuổi có thể truy cập. Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết nếu là bạo lực thì không thể đi theo hướng tích cực. Những hình ảnh bạo lực đang bằng cách nào đó vượt qua sự kiểm duyệt của các nền tảng mạng xã hội. Điều đó dẫn tới khả năng không loại trừ người dùng mang cách hành xử bạo lực trong các video này áp dụng ngoài đời thật.
"Trong nhiều vụ án, chúng tôi nhận ra thủ phạm là tín đồ của game bạo lực. Chúng tôi hỏi cung một đối tượng giết người dã man, cháu bé nói đã quen bắt giết ở trên game. Việc mang hành vi ảo ra đời sống thật chỉ là một bước chân. Lối ứng xử bạo lực rất dễ bị mang ra đời sống hàng ngày nếu bức xúc tâm lý nào đó", TS.Đào Duy Hiếu nói tiếp.
"Bạo lực gia tăng gây mất trật tự trị an, tạo ra dư luận xấu, hoang mang trong cộng đồng. Bản thân chủ thể hành vi gây nguy hiểm cũng phải gánh chịu hậu quả pháp lý. Nhà nước mất nhiều kinh phí để xử lý các vụ án. Đặc biệt, nó còn để lại di chứng, tinh thần tương thân tương ái – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngàn đời qua – có nguy cơ bị băng hoại bởi tình trạng bạo lực".
Theo thống kê, có tới 96% các vụ giết người tại nước ta từ những nguyên nhân xã hội như mâu thuẫn nhỏ nhặt, tranh chấp, ghen tuông. Còn các vụ án cướp của giết người chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Vấn đề đặt ra là làm sao để mỗi người có thể kiềm chế cơn nóng giận của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!