Tác phẩm này vừa được chuyển ngữ sang tiếng Việt và sẽ ra mắt bạn đọc vào đúng dịp Hội sách Mùa thu 2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt) từ 29/10 đến 2/11.
Tác giả cuốn tiểu thuyết này là Manula Kalicka - nữ nhà văn Ba Lan từng làm nhiều nghề, từng viết, công bố nhiều truyện ngắn trên các báo, tạp chí dành riêng cho phụ nữ. Với “Bố, các cô ấy và tôi”, Manula Kalicka đã dựng lại một câu chuyện giống như tình huống của rất nhiều gia đình hiện đại khi hôn nhân đổ vỡ, gia đình nhỏ trong những ngày đầu bão tố… nhưng chỉ khác là giọng kể và cái nhìn hài hước của bà đã khiến mọi thứ đều tràn trề niềm yêu sống.
“Một người mẹ trẻ bỏ nhà đi châu Phi theo tiếng gọi tình ái (với người đàn ông tên là Tongo Bongo) để lại hai cô con gái, một 15 tuổi và một mới lên 6. Bi kịch chăng? Lúc đầu ai cũng nghĩ như vậy, nhất là khi ông bố vốn là một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc rock, tâm hồn vẫn như trẻ thơ và luôn cần người chăm sóc…” - Đó là một phần tóm tắt của tác phẩm “Bố, các cô ấy và tôi” mở ra một không gian đầy những biến cố, những tình huống vừa hài hước vừa khiến ta không khỏi lặng người.
Sau khi người mẹ trẻ gạt nước mắt ra đi, để lại lời nhắn gửi rằng “Mẹ luôn luôn yêu các con, nhưng mẹ cũng…muốn có một cuộc sống riêng”, thì ngôi nhà bắt đầu lần lượt xuất hiện… các cô gái với tính cách khác nhau như một nỗ lực của ông bố trong việc tái thiết trật tự cuộc sống gia đình. Cô Ilona có khả năng quán xuyến công việc gia đình song tính cách lại vô cùng khó chịu, cô Angelika xinh đẹp nhưng đỏng đảnh và mưu mẹo…Những đứa trẻ trong một tình huống đặc biệt của gia đình, chúng bỗng bộc lộ những tình cảm, sự thích ứng đặc biệt đến độ người đọc vừa bật cười vừa cay cay sống mũi…
Nhưng bất ngờ nhất là cô Cleopatra (người vợ của ông Tongo Bongo) từ Ai Cập tìm tới và… ở lại ngôi nhà của ba bố con cùng ban nhạc của ông bố. Nhưng diễn tiến của câu chuyện không theo hướng như những đứa trẻ sắp đặt cho bố và cô Cleopatra mà lại rẽ sang những ngả khác nhau…
Chỉ có điều, sau rất nhiều tình huống thì câu chuyện kết thúc khá bất ngờ với âm hưởng… cổ tích.Tất nhiên, vẫn đầy không khí hiện đại, văn hóa Ba Lan như câu kết: “Họ là những người hạnh phúc, còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng liệu họ sẽ sống với nhau như thế bao lâu, tôi không biết được. Thời gian sẽ trả lời. Còn tất cả những điều khác thì sao?. Tất cả những cái khác, giống như người ta dùng cưa để làm nhạc cụ chơi nhạc của Bach - câu thơ của nhà thơ Ba Lan đoạt giải Bobel, nghĩa là chưa thể biết trước điều gì”...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!