Với những người yêu thích âm nhạc dân tộc, không ai không biết đến Phạm Thị Huệ - một trong những ca nương hàng đầu Việt Nam. Cô sở hữu trong tay khá nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, Phạm Thị Huệ còn có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật ca trù của Việt Nam.
Tiếp xúc với ca trù lần đầu tiên vào năm 1992 khi nghe cuốn băng cassette thu âm giọng hát nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phạm Thị Huệ tâm sự, cô bị cuốn hút bởi những thanh âm đặc biệt của ca trù. "Tôi thấy ca trù rất đặc biệt" - cô nói - "Những âm thanh của nó như đang từ đâu đó vọng về mà mình không thể nắm bắt được".
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Phạm Thị Huệ chưa từng nghĩ rằng hát ca trù sẽ trở thành sự nghiệp của mình. Cô chia sẻ: "17 tuổi - khi còn là cô sinh viên Nhạc viện Hà Nội, một cô bạn cùng phòng hỏi tôi Định theo ca trù đấy à?. Lúc ấy, tôi chỉ đáp Có nằm mơ mình cũng không học được đâu. Nó đòi hỏi kỹ thuật cao quá, lại phức tạp nữa. Nghe chơi thôi".
"Thế nhưng, 15 năm sau, tôi đã hoàn toàn gục ngã trước loại hình nghệ thuật này. Với tôi, ca trù không chỉ là cái nghiệp, nó còn là nghệ thuật âm nhạc dân tộc đỉnh cao. Đây là môn nghệ thuật mà tôi quyết tâm gìn giữ và phát triển" - ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự.
Không chỉ được đánh giá là một ca nương xinh đẹp, Phạm Thị Huệ cũng là ca nương duy nhất của Việt Nam có thể vừa đàn vừa hát một cách điêu luyện, nhất là khi dùng đàn đáy.
Cùng lắng nghe nghe những chía sẻ của ca nương Phạm Thị Huệ qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!