Sự kiện "Chợ sách" Một nét văn hóa Hà Nội diễn ra từ ngày 16 - 18/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với những câu chuyện lịch sử, nơi hội tự tinh hoa đất học của Đại Việt xưa, Việt Nam nay. Công trình này chính là minh chứng rõ nét cho truyền thống hiếu học từ xa xưa của người Việt.
Ông Hà Huy Chiến – Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn của chương trình chia sẻ
Tại sự kiện văn hóa lần này, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức hướng tới kết nối sách với cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa. Tại đây, khách tham quan sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động như làm giấy dó, làng cốm, hát xẩm, chiếu chèo..., cùng với các trò chơi dân gian. Một góc khác tại sự kiện, văn hóa Tết cổ xưa của Hà Nội sẽ được tái hiện qua những món ăn cổ truyền, cành đào, góc phố.
Theo chia sẻ từ BTC, chợ sách lần này sẽ trưng bày và bán các xuất bản phẩm với nhiều chủ đề đa dạng. Bên cạnh những ấn phẩm học thuật, khách thăm quan còn được chiêm ngưỡng dòng sách di sản được ví là những tuyệt phẩm nghệ thuật trên giấy dó, một chất liệu mang đậm dấu ấn truyền thống. Những ấn phẩm được in trên giấy dó không chỉ có nội dung giá trị với xã hội mà còn là tác phẩm nghệ thuật kết tinh từ sức lao động sáng tạo của các nghệ nhân và những người làm sách. Nó là giọt giá trị lắng đọng văn hóa lịch sử khi sách được in trên một chất liệu truyền thống. Ngoài ra, "chợ sách" lần này còn mang đến cho các em nhỏ các tác phẩm văn học Nga, nhắc nhớ tới một thời kỳ mà văn hóa Nga có tác động lớn tới đời sống của người Việt.
Đặc biệt, một điều thú vị được BTC tiết lộ là sự ra đời của những ấn phẩm được làm theo phương thức truyền thống qua bản khắc thay vì in máy hiện đại. Mỗi đầu sách, đơn vị xuất bản sẽ sản xuất 100 quyển, có đóng dấu chứng thực. Đây là cơ hội để những bạn đọc đam mê sách được sở hữu những ấn phẩm có một không hai.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt Một nét văn hóa Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã bày tỏ những trăn trở đối với việc phát triển văn hóa đọc hiện nay.
"Nói văn hoá đọc ngày nay, chúng ta có thể đọc sách qua mạng, nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là cách tiếp cận cổ điển truyền thống - sách in. Lĩnh vực này có lúc từng băn khoăn với câu hỏi sách đọc có còn vị trí trong đời sống hay không?", nhà sử học Dương Trung Quốc bộc bạch.
"Thực tế cho thấy đời sống của sách ngày càng phong phú, dù ngôn ngữ phương tiện số ngày càng phát triển mạnh. Sách tích hợp truyền tải giá trị văn hoá nghệ thuật đồng thời thể hiện ngôn ngữ viết, vẽ. Và quan trọng sách đòi hỏi ta phải nâng niu, đòi hỏi đầu tư hơn cho cuốn sách. Xu thế hiện nay là sách ngày càng đẹp, đến với chúng ta thực sự là tác phẩm văn hoá nghệ thuật, tích hợp nhiều ngôn ngữ khác nhau, không chỉ có viết. Đó thực sự là nỗ lực của giới làm sách.
Việc tổ chức hội chợ sách, phiên chợ sách có nhiều hình thức phát triển. Bên cạnh các sự kiện trực truyến tạo ra thị trường mạnh mẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thì cách làm truyền thống vẫn cần phát huy. Vấn đề nhà tổ chức phải có nhiều sáng kiến, giải pháp phong phú thu hút nhiều người đến, tất nhiên vẫn phải quan tâm phòng chống dịch bệnh. BTC lựa chọn Hồ Văn - một địa điểm văn hoá – gắn với di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám tôn vinh việc học việc đọc là rất có ý nghĩa...".
"Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu. Nếu làm tốt thì sẽ tác động vào đời sống, giúp ích cho tri thức của các thế hệ" - nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm - " Tôi mong sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, phong phú là nơi giao lưu để kích thích những anh chị em làm sách có nhiều sáng kiến hơn nữa, làm cho văn hoá học, tinh thần yêu sách lan toả hơn nữa".
Dự kiến, sau Một nét văn hóa Hà Nội, BTC sẽ thực hiện nhiều sự kiện với các chủ đề khác nhau như Thiếu nhi, Thư pháp các vị vua...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!