Với mục đích bảo tồn các giá trị di sản, quảng bá giá trị nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; Đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện Tiếng Tơ, giới thiệu, trình diễn trang phục lụa từ tơ tằm và tơ sen, kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống.
Sau 11 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ Đô (01/8/2008 - 01/8/2019), Hà Nội trở thành địa phương có nhiều di sản nhất cả nước. Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ trăm nghề làm nên ba mươi sáu phố phường, với những phố “Hàng” nổi tiếng đất kinh kỳ. Quận Hoàn Kiếm – Khu phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố xưa và là nơi tập trung nhiều phố nghề với những ngôi đình thờ Tổ nghề, đây chính là nét đặc trưng của Khu phố cổ Hà Nội. Sự kiện Tiếng Tơ là một trong những hoạt động giới thiệu những nét đẹp văn hóa của Hà Nội đến với người dân, khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiếng tơ diễn ra từ ngày 22/11 đến 15/12 với những nội dung chính như Trưng bày giới thiệu một số công đoạn làm tơ của nghệ nhân Hà Nội hay biểu diễn thời trang, trình diễn âm nhạc, tọa đàm hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các Nhà thiết kế.
Tại một số di sản phố cổ cũng tổ chức loạt hoạt động văn hóa thú vị, hấp dẫn với du khách. Như Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, P.Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra hoạt động “Huyền thoại Trà di sản - Giàng Pằng Sùng Đô”: giới thiệu quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Tại Đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc, P.Hàng Bạc sẽ diễn ra Triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản trong lòng Hà Nội” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Bích. Với hơn 12 năm cầm máy ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đặc biệt yêu mến các làng nghề truyền thống, anh đã đi và trải nghiệm, qua đó, tích lũy vốn kiến thức sâu về các làng nghề, phố nghề, các nghệ nhân, cũng như các giá trị xưa cũ, truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Tại đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm, P. Hàng Buồm, Sư Thầy Thích Chỉnh Tuệ - Hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Mỹ thuật Mặc Nhân sẽ trưng bày giới thiệu hơn 30 tác phẩm Thi – Thư – Họa miêu tả vẻ đẹp hoa Sen của sư thầy, họa sĩ Thích Chỉnh Tuệ (Tuệ Nhật Mặc Nhân).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!