Thách thức từ chuyển đổi số thư viện

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/12/2023 13:51 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều vấn đề như bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực vận hành, bố trí nguồn ngân sách để tiếp tục đầu tư và nâng cấp thư viện.

Trong kỷ nguyên số, ở bất kỳ nơi đâu, vào bất kỳ thời gian nào, chỉ một thao tác chạm và một cú nhấp chuột là có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Thay đổi để phù hợp với nhu cầu của độc giả, thời gian qua việc chuyển đổi số thư viện đã được triển khai rộng khắp trên hầu hết các thư viện trong cả nước, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông; 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập có giá trị đặc biệt của các thư viện có vai trò quan trọng trong quản lý số hóa; 100% số cộng tác viên, những người công tác tại thư viện được đào tạo và đào tạo lại cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.

Không chỉ ở Việt Nam, mô hình thư viện số quốc gia còn được quan tâm phát triển ở nhiều nước, với những mục đích khác nhau như bảo tồn di sản tư liệu, tăng cường năng lực tiếp cận nguồn tài nguyên quý hiếm do các cơ quan thông tin, thư viện lưu trữ, sở hữu, phát triển dịch vụ hiện đại theo tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông.

Song song với số hóa các thư viện truyền thống, thời gian gần đây mô hình thư viện số cộng đồng ngày càng phát triển ở các địa phương. Sự phát triển ở các thư viện địa phương, tư nhân, dòng họ đã khiến việc đọc sách trở nên gần gũi hơn.

Chuyển đối số trong hoạt động thư viện đang mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề như bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực vận hành, bố trí nguồn ngân sách để tiếp tục đầu tư và nâng cấp thư viện. Để đạt được mục tiêu số hóa ngành thư viện, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều phía, từ Nhà nước đến cộng đồng.

Có thể thấy, để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, Nhà nước cần có những chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, nội dung số hóa cho các thư viện, đảm bảo việc triển khai chuyển đổi số hoạt động thư viện hiệu quả và bền vững. Các thư viện Việt Nam cũng cần xác định hướng đầu tư tập trung, hiệu quả để đem lại kết quả cao nhất và đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.

Thư viện 'thay áo' để hút bạn đọc Thư viện "thay áo" để hút bạn đọc

VTV.vn - Những thay đổi là cần thiết để giúp các thư viện thu hút đối tượng bạn đọc trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước