Văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ. Đội ngũ sáng tác lên tới hàng ngàn, nếu tính cả những người viết không chuyên thì lên tới hàng vạn. Nhưng một thực tế là vẫn thiếu những tác phẩm văn học lớn. Trách nhiệm trước hết thuộc về tài năng cá nhân của nhà văn. Nhưng nhìn từ góc độ khách quan, chế độ đãi ngộ dành cho nhà văn còn chưa tương xứng, cũng như chưa có đầu tư thỏa đáng cho các tác phẩm văn học chất lượng. Hiện nay, hầu hết các nhà văn không thể sống được bằng nghề, mong mỏi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Nhà văn Bắc Sơn đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và hàng chục giải thưởng văn chương danh giá khác. Nhưng ông cho biết, trong suốt cuộc đời cầm bút, hầu hết các tác phẩm của ông đều chật vật ở khâu xuất bản. Vì để xuất bản một cuốn truyện hay tiểu thuyết thì phải mất hàng chục triệu đồng. Thực tế, không phải không có sự hỗ trợ từ Nhà nước nhưng mức hỗ trợ rất thấp.
“Nếu được hỗ trợ sáng tác hay đầu tư thì còn gì bằng, vì người ta không phải lo về tài chính. Tự chủ về tài chính với nhà văn là một vấn đề rất lớn”, nhà văn Bắc Sơn cho biết.
“Đầu tư về mặt vật chất rất cần để nhà văn sáng tạo, giải quyết những việc trước mắt, phải có cái ăn để viết chứ. Điều quan trọng hơn là nó chứng tỏ mình được trân trọng, khi đặt niềm tin vào mình thì mình phải vươn lên”, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Nhiều năm nay, ngân sách thường xuyên của Nhà nước dành hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ là thông qua chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, với hơn 130 đầu mối các hội chuyên ngành Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương, nguồn kinh phí này là vô cùng ít ỏi, chưa theo kịp sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, chưa kể tới những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến các hội loay hoay để duy trì hoạt động, chưa nói tới việc đầu tư cho nhà văn.
Các nhà văn đích thực không chờ phải được đầu tư hay hỗ trợ mới viết. Họ viết với sứ mệnh cao cả của người cầm bút với đất nước, với cuộc đời. Nhưng họ cũng cần được tiếp sức để không cần quá lo lắng vì cuộc sống mưu sinh, có như vậy mới thỏa sức bay bổng và sáng tạo. Gần đây, Bộ VH TT- DL đang hoàn thiện Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học, dự kiến có nhiều chính sách đãi ngộ thiết thực hơn cho các nhà văn. Nghị định dự định sẽ trình Chính phủ trong năm 2025.
Để văn học thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì cần có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực. Đã từng có nền văn chương cách mạng rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làm nên khí phách cả dân tộc. Chúng ta có quyền hy vọng về một “mùa vàng” trong tương lai. Điều đó chỉ có được khi mỗi nhà văn tự nỗ lực, với sự đồng hành tiếp sức của Nhà nước thông qua những đầu tư và hỗ trợ thỏa đáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!