Vào tháng 6 vừa qua, giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi lần thứ 5 đã tìm ra được những gương mặt tác giả xứng đáng. Tuy nhiên, những sáng tác văn học xuất sắc của thiếu nhi vẫn thiếu vắng.
“Bấy lâu nay là không thấy trẻ con làm thơ nữa và các em cũng làm thơ nhưng không được như trước đây. Đó là điều rất đáng tiếc”, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Như chia sẻ của nhiều em nhỏ, niềm yêu thích hay mối quan tâm lớn của các em giờ không phải nghệ thuật ngôn từ. Các em có những mối quan tâm khác như phim ảnh, các loại hình giải trí trên Internet. Do đó, việc truyền cho các em tình yêu với văn chương không dễ nhưng không phải là không có cách làm, như các hoạt động triển lãm sách, thư viện với các trò chơi điều hướng trẻ đến niềm yêu thích văn chương…
Những ngày hè, trẻ có thêm thời gian khi không phải đến trường. Đây là dịp để cha mẹ có thể khơi gợi tình yêu văn học, gieo mầm văn chương trong từng đứa trẻ. Với sự đồng hành của bố mẹ, nhiều cây bút nhí đã được gieo mầm. Dù biết con đường văn chương chuyên nghiệp sẽ có nhiều chông gai nhưng chí ít, tuổi thơ của các em đã thêm ý nghĩa với cây bút và tập bản thảo.
Văn học thiếu nhi đã và đang tồn tại những khoảng trống. Đó là khoảng trống thế hệ. Số nhà văn, nhà thơ viết cho các em không nhiều, đặc biệt là các em viết về chính các em thì càng hiếm. Dù tác giả nhí đang ở đâu thì vun bồi các em là trách nhiệm của người lớn, của cha mẹ, của nhà văn, nhà thơ đi trước. Bởi văn chương không dễ thành nghề. Với tuổi nhỏ, văn chương là tâm hồn, là tiếng Việt, là những giá trị tươi đẹp trong trẻo, là gia đình, quê hương, đất nước…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!