Có một nơi để về, đó là nhà. Có một ai đó để yêu thương, đó là gia đình. Gia đình được ví như tổ ấm. Nhưng với một số người, gia đình như địa ngục, nơi họ bị đối xử bằng bạo lực, chịu những nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Nhiều câu chuyện đau lòng được giãi bày trong Triển lãm Chạy trốn chốn toàn. Việt Nam đang trong Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 – 15/12. Liên tiếp nhiều vụ việc bạo lực gia đình xảy ra thời gian qua gây xôn xao dư luận, bắt đầu từ sự thiếu tôn trọng người vợ, dần dà bạo lực gia đình nảy sinh.
Để xóa bỏ văn hóa im lặng trong bạo lực gia đình, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống bạo lực gia đình. Luật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, quy định rất rõ về quy trình tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, quy định địa chỉ tiếp nhận tin báo, trách nhiệm của Chủ tịch cấp xã trong việc xử lý giải quyết tin báo một cách đầy đủ, rõ ràng để người bị bạo lực gia đình cảm thấy mình được hỗ trợ, bảo vệ. Tuy nhiên, để đẩy lùi thực sự bạo lực giới, theo các chuyên gia cần bắt đầu từ chính trẻ em trai.
Nằm trong chuỗi chiến dịch hưởng ứng toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11 – 10/12) và Tháng Hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, một sự kiện thể thao đặc biệt cũng được cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women tổ chức. Đó là trận bóng đá Tô cam giấc mơ.
Thay đổi không thể trong một sớm một chiều, tập quán của nhiều vùng vẫn chưa coi bất bình đẳng giới hay bạo lực gia đình là nghiêm trọng. Không phải bất cứ hành vi nào xảy ra hay có thể xảy ra đều được cơ quan chức năng xỷ lý ngay. Văn hóa ứng xử tôn trọng phụ nữ là chìa để giải quyết bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!