Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền vừa giành giải thưởng do Ban giám khảo bình chọn tại LHP Việt Nam lần thứ 19 với tác phẩm 'Người trở về'
Người trở về là tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ truyện ngắn Người ở bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Lấy bối cảnh làng quê miền Bắc Việt Nam sau năm 1975 xơ xác, đói nghèo, chỉ còn những người đàn bà hóa điên vì chồng chết trận, phim kể về cuộc đời của Mây - một nữ y tá chiến trường dũng cảm. Hòa bình lập lại, Mây trở về quê nhà đúng ngày người yêu đi lấy vợ trong khi bản thân nhận được giấy báo tử. Quá đau khổ, Mây chọn cách chối bỏ yêu thương để sống lặng lẽ trên chính bến đò quê hương.
Khai thác đề tài hậu chiến vốn được cho là rất nặng nề, thế nhưng Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền đã tạo nên một sức hút riêng khi kể câu chuyện chiến tranh rất đỗi đời thường về những nhân vật phía sau cuộc chiến. Tác phẩm này cũng đã giành giải thưởng do Bam giám khảo bình chọn tại LHP Việt Nam lần thứ 19.
Chia sẻ về lý do Người trở về hút khách, đặc biệt là khán giả trẻ, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói: “Hãy kể những câu chuyện có thể tiếp cận với thế hệ trẻ, gần gũi với thế hệ trẻ và có thể thuyết phục được họ yêu thích bộ phim”.
Diễn viên Lã Thanh Huyền - vai Mây - trong phim Người trở về
Chị mất bao lâu để lên ý tưởng và chuẩn bị cho bộ phim Người trở về trước khi ra mắt khán giả?
- Tôi đã phải nói chuyện với nhà văn Sương Nguyệt Minh từ cách đây khoảng 3, 4 năm và ngỏ ý muốn chuyển thể tác phẩm Người ở bến sông Châu. Mọi thứ bắt đầu từ đó. Và khi cơ hội đến, tôi chỉ việc trải những ý tưởng đã có sẵn trong đầu từ lâu lên trên trang giấy.
Mặc dù thời gian quay chỉ mất khoảng 3 tháng nhưng thời gian chuẩn bị cho Người trở về mất gần 1 năm, bao gồm lựa chọn bối cảnh, chuẩn bị đạo cụ, phục trang. Sau 3 tháng bấm máy thành công và gần 1 năm hậu kỳ, Người trở về đã ra mắt đúng ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9/2015.
Phải chăng lựa chọn bối cảnh là khâu khó khăn nhất trong việc hoàn thiện phim?
- Tôi đã mất vài tháng đi lang thang khắp các vùng sông nước để có được những bối cảnh ưng ý nhất. Ưng ý ở đây là mình có thể tái tạo khung cảnh Việt Nam sau năm 1975. Còn hầu như các bối cảnh hiện nay đều không sử dụng được vì đã phần nào được hiện đại hóa. Đây là khó khăn lớn không chỉ đối với Người trở về mà còn đối với những bộ phim chiến tranh, phim Cách mạng và phim lịch sử hiện nay của Việt Nam.
Một trong những khó khăn được nhiều người đề cập khi làm những bộ phim đề tài hậu chiến là làm sao tạo được logic về bối cảnh, không gian, thời gian. Chị vượt qua những khó khăn đó như thế nào? Phải chăng việc công tác trong hãng phim Quân đội là một lợi thế khi làm phim hậu chiến đối với chị?
- Tôi và quay phim luôn bàn bạc với nhau để tìm ra những góc máy có thể lột tả được nét đẹp của bối cảnh, lột tả được câu chuyện phim một cách tốt nhất. Hậu chiến là một đề tài không bao giờ cũ trong dòng phim Việt Nam bởi không đất nước nào trải qua nhiều nỗi đau chiến tranh như Việt Nam. Tôi luôn cho rằng nỗi đau chiến tranh chính là nỗi đau sau để lại sau khi cuộc chiến đi qua. Và nạn nhân của nỗi đau đó chính là phụ nữ và trẻ em. Đó là hai đối tượng tôi luôn quan tâm.
Lã Thanh Huyền và Trương Minh Quốc Thái
Chị có nghĩ mình còn quá trẻ tuổi để làm một bộ phim về đề tài chiến tranh?
- Mỗi thế hệ sẽ có cách chuyển tải câu chuyện khác nhau. Không thể nói thế hệ nào kể câu chuyện hay hơn mà quan trọng là câu chuyện nào chạm tới cảm xúc của khán giả, đó là câu chuyện thành công.
LHP Việt Nam lần thứ 19 có sự góp mặt của nhiều bậc lão làng trong nền điện ảnh Việt Nam tham gia và tôi không bỏ lỡ bất cứ tác phẩm nào của họ. Tôi vô cùng ngưỡng mộ bởi đó là những tác phẩm đồ sộ và có nhiều giá trị để thế hệ trẻ như tôi học hỏi.
Tuy là một bộ phim được Nhà nước đặt hàng nhưng Người trở về lại tạo được hiệu ứng tốt đối với khán giả. Chị có nghĩ mình sẽ là người khởi đầu xu hướng làm phim nhà nước tạo doanh thu?
- Thế hệ chúng tôi có thể thua kém thế hệ đi trước về kinh nghiệm, về tay nghề nhưng tôi cho rằng với sức trẻ và hơi thở của thời đại, chúng tôi có thể tạo ra được những kịch bản gần gũi hơn với người trẻ. Khán giả chúng tôi hướng tới là thế hệ trẻ bởi họ cần phải biết lịch sử của cha ông mình, cần phải biết những đau thương, mất mát của các cuộc chiến.
Trước tiên, chúng ta hãy kể những câu chuyện có thể tiếp cận với thế hệ trẻ, có thể thuyết phục được họ yêu thích phim. Đó đã là thành công của những bộ phim do những người trẻ thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.