ĐD Nguyễn Thị Thắm và Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

PV-Thứ tư, ngày 06/08/2014 17:12 GMT+7

Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm.

Chưa bao giờ đời sống của những người chuyển giới lại được nhìn gần đến như thế, như trong bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng – một bộ phim tài liệu được thực hiện bởi nhà làm phim độc lập Nguyễn Thị Thắm.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có độ dài hơn 80’, một thời lượng hiếm hoi của phim tài liệu Việt nhưng phim vẫn đủ sức lôi kéo khán giả tới những giây cuối cùng nhờ phong cách làm phim mới, bám sát nhân vật, đưa tới góc nhìn chân thực nhất về cuộc sống và suy nghĩ của những con người mà người thường nhìn vào không phải ai cũng có thể hiểu và đồng cảm. Đây là tác phẩm đầu tay của nhà làm phim độc lập sinh năm 1984 Nguyễn Thị Thắm. Cô đã tự đạo diễn và quay phim này trong suốt 13 tháng. Rồi sau đó là lặn lội tìm kinh phí để thực hiện hậu kỳ.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được bấm máy vào tháng 8/2009 và tới tháng 2/2014, sau 5 năm, bộ phim mới được hoàn thành. Phim đã được trình chiếu trong LHP Tài liệu quốc tế Việt Nam lần thứ 6 và đã thật sự thuyết phục được đông đảo công chúng và những người làm nghề. Trước đó, trong LH Điện ảnh quốc tế được tổ chức vào cuối 3 tại Paris, phim cũng đã được đánh giá cao và là một trong 9 phim tranh giải ở hạng mục Phim đầu tay xuất sắc nhất.

Trong cuộc trò chuyện tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật, nói về cảm xúc khi nhận được rất nhiều những lời ngợi khen - của báo chí Việt Nam cũng như nước ngoài, đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm thành thật: “Sau khi phim công chiếu ở nước ngoài rồi Việt Nam và nhận được những phản hồi tích cực thì cảm giác lúc đó của mình là lâng lâng, rất khó tả và khó nói thành lời. Mình nghĩ là ừ, sau một hành trình rất dài của mình và đồng nghiệp cho bộ phim này và được mọi người đón nhận thì bây giờ mình cảm thấy thở phào được rồi”.

Tuy nhiên, nữ đạo diễn của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cũng cho biết về cảm xúc trước đó của cô – sau một thời gian dài đắn chìm trong bộ phim - đó là “sự trống rỗng”.

“Mình cứ đắm chìm trong bộ phim một thời gian dài và khi phim xong mình ở trong một trạng thái mà người ta gọi là trạng thái trống rỗng”.

“Vì mình đã gần như hòa nhập với cuộc sống đấy trong suốt hơn một năm nên khi đóng máy về lại Sài Gòn mình cảm giác như mình bị lơ ngơ” – Nguyễn Thị Thắm giải thích về trạng thái cảm xúc của cô – “Mình không xác định được vị trí mình đang ở đâu. Có giai đoạn mình không quay nữa nhưng vẫn cứ vác máy trở lại đoàn… Mình không thoát ra được và mình vẫn sống với cảm xúc lúc quay”.

Nói về lý do chọn đề tài thế giới thứ 3 để làm phim, Nguyễn Thị Thắm khẳng định sự lựa chọn của cô xuất phát từ sự quan tâm.

“Bộ phim được quay từ năm 2009 và lúc đó mình chưa nói nhiều về thế giới thứ 3 trên các phương tiện truyền thông như bây giờ. Lúc đó cũng có rất nhiều người hỏi sao lại chọn đề tài về thế giới thứ 3 và mình đã trả lời là mình không chọn họ. Họ là một nhóm người, một cộng đồng và là những người mình quan tâm. Mình thấy đấy là sự phiêu lưu và mình thích sự phiêu lưu và trong sự phiêu lưu đó có sự lãng mạn và mình rất hứng thú với 2 điều đấy. Và từ hai điều đấy mình đã khởi động dự án của mình và mình đã trải nghiệm nó”.

“Mình không có vấn đề gì trong việc phân biệt người đồng tính cả, chỉ đơn giản là mình làm phim về một nhóm người. Có lẽ với xuất phát điểm như thế mình làm phim nên có nhiều người xem phim xong đã nói là không thấy có sự khác biệt về giới tính. Họ đồng cảm về cuộc sống của những con người đó”.

Để nghe trọn vẹn cuộc trò chuyện của nhà làm phim độc lập Nguyễn Thị Thắm tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật, bạn hãy xem video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước