Đi lễ hội - Nét đẹp đầu Xuân

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 15/02/2024 12:56 GMT+7

VTV.vn - Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa lễ nghi sang trọng, linh thiêng, phần hội tươi vui, rộn ràng.

Với người Việt, bao đời nay mùa xuân là mùa lễ hội. Mùa xuân là sự tổng hòa của nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của  dân tộc, là dịp để người dân hướng đến nguồn cội, cố kết cộng đồng, gìn giữ và phát huy những phong tục, giá trị văn hóa đặc sắc. Thời điểm này, nhiều lễ hội lớn trong cả nước đã khai hội như hội Chùa Hương, hội Chùa Bái Đính, hội Gióng. Năm nay, ngay từ trước khi bắt đầu kỷ nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng dịp Tết, lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, nghĩa tình, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, Việt Nam được ví như đất nước của lễ hội. Nhiều năm trước, tồn tại những biến tướng, lệch lạch, tiêu cực trong tổ chức một số lễ hội, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống. Chính vì thế, vào mỗi dịp đầu năm, việc tổ chức và quản lý lễ hội du xuân tại các điểm văn hóa lịch sử luôn là vấn đề lớn của ngành văn hóa. Lễ hội là thời điểm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được sống dậy một cách mạnh mẽ.

Thế nhưng, đi kèm với đó có thể này sinh tình trạng biến tướng, thương mại hóa, lạm dụng lễ hội để trục lợi. Vấn nạn buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, làm mai một những giá trị truyền thống, mất đi vẻ đẹp vốn có của lễ hội. Để lễ hội có thể thích ứng với cuộc sống hôm nay, cần một quá trình gạn đục khơi trong. Năm nay, nhiều địa phương đã có đổi mới trong công tác tổ chức, để vừa giữ được vẻ đẹp của mùa lễ hội vừa đảm bảo mùa lễ hội văn minh ý nghĩa.

Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa lễ nghi sang trọng, linh thiêng, phần hội thì tươi vui, rộn ràng. Lễ hội trở thành nơi công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Vì thế, để lễ hội giữ được những điều tốt đẹp thì cần đòi hỏi vai trò của Nhà nước trong tổ chức, kiểm tra cũng như sự hiểu biết của chính người tham gia lễ hội. Bởi chỉ có hiểu về những phong tục của mỗi vùng miền, người dân mới có thể chuẩn bị đúng tâm và thế khi đến với lễ hội.

"Giờ trong xã hội hiện đại, chúng ta chỉ dừng lại ở việc quản lý thì nó luôn có sự bất cập. Chúng ta cần đặt nó ở trong tầm quản trị, tức là quản lý nhưng phải theo dõi được cả quá trình, cái gì đang diễn ra, diễn ra như thế nào, ở đâu, tốt hay xấu… theo những tiêu chí nhất định. Như vậy, việc đó cho các chính quyền địa phương, ban quản lý di tích hoặc cơ sở thờ tự để họ nắm chắc tình hình, tránh tình trạng khi diễn ra rồi, có hậu quả thì mới chạy ra khắc phục. Điều đó bao giờ cũng thua thiệt", GS.TS Phạm Hồng Tung – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển , Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

VTV.vn - Vào tối ngày 13/2, tại huyện Tây Sơn – Quê hương của Hoàng đế Quang Trung, tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước