Di tích, bảo tàng loay hay chưa dám liên kết, liên doanh vì sợ sai quy định

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 02/01/2024 13:56 GMT+7

VTV.vn - Nhiều điểm nghẽn khiến nguồn lực xã hội không thể chảy vào lĩnh vực văn hóa, gây khó khăn cho các đơn vị bảo tàng, nhà hát, di tích.

Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, hệ thống bảo tàng, di tích, nhà hát… trên toàn quốc đã được thổi một luồng sinh khí mới. Sự đầu tư hạ tầng, đổi mới phương thức hoạt động đã biến những bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn người dân và du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiết chế văn hóa xuống cấp, hư hỏng hoặc bị lãng phí do thiếu kinh phí tu sửa, nâng cấp. Trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp, hiện chưa cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực xã hội và sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nhiều công trình văn hóa thể thao đang nằm phơi nắng, phơi mưa chờ ngày được hồi sinh.

Hiện tại, theo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, văn hóa không nằm trong lĩnh vực được ưu tiên áp dụng. Đây là điểm nghẽn lớn khiến nguồn lực xã hội không thể chảy vào lĩnh vực văn hóa. Để tháo gỡ một phần ách tắc này, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60, trong đó cho phép đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị. Nhiều đơn vị văn hóa đã nhanh nhạy nắm bắt chính sách mới nhằm cải thiện dịch vụ, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu trong đó là Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Hiện tại, trong khi cho phép triển khai dịch vụ không dùng ngân sách Nhà nước, Chính phủ vẫn có những quy định phức tạp về quản lý tài sản công. Còn dịch vụ lại gắn liền với các tài sản công như đất đai, phòng…, gây ra sự chồng chéo, khó phân định trong chính sách.

Cụ thể, quy định về quản lý tài sản công tại Nghị định 151 ban hành năm 2017 cho phép các tổ chức văn hóa nghệ thuật, bảo tàng liên doanh, liên kết với các đơn vị tư nhân. Nhưng muốn triển khai liên kết, phải lập đề án để cơ quan quản lý phê duyệt. Để đề án được phê duyệt thì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, trong đó có nhiều điều kiện không khả thi như định giá đất, xác định thương hiệu, định giá tài sản… Những điều kiện này vốn rất mơ hồ với các cổ vật văn hóa. Do đó, từ khi văn bản được ban hành, các hoạt động liên doanh, liên kết hầu như bị tê liệt.

Năm 2021, quy định mới về tự chủ tài chính ra đời nhưng chưa thể tháo gỡ rào cản này vì dịch vụ được tự chủ nhưng tài sản gắn với dịch vụ thì không.

Có thể nói, trong cửa đã mở nhưng việc thì chưa thông, ngoài một số đơn vị di tích lớn như Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò mạnh dạn triển khai một vài dịch vụ, hầu hết các di tích, bảo tàng, nhà hát vẫn loay hoay chưa dám tổ chức liên kết, liên doanh vì sợ sai quy định. Hiện tại, cơ chế hợp tác công – tư đột phá đang được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng từ kinh nghiệm ở địa phương này sẽ sớm có những tháo gỡ cơ chế chính sách để thực sự thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước