Hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/08/2023 13:39 GMT+7

VTV.vn - Để xoay xở khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển văn hóa, khơi thông nguồn lực tài chính.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở các địa phương chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách Nhà nước cấp. Đầu tư cho văn hóa thông tin giai đoạn 2021 – 2025 chiếm 0,95% tổng vốn đầu tư công của cả nước. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế còn nhiều hạn chế. Cách đầu tư cho văn hóa cũng dẫn tới dàn trải, lãng phí. Bên cạnh đó, đội ngũ để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đang thiếu trầm trọng. Nhiều ý cho rằng việc đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.

Để xoay xở khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển văn hóa, khơi thông nguồn lực tài chính, tạo nên những chuyển biến, phát triển công nghiệp văn hóa vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa tạo nguồn lợi về kinh tế. Rõ ràng, quan điểm về đầu tư cho văn hóa của một số địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét. Theo đó, Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, đầu tư có tính chất vốn mồi, thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như quảng bá thương hiệu, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, việc hợp tác công tư đến nay vẫn diễn ra tương đối dè dặt, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Bởi lẽ, các quy định pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên khuyến khích.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai. Lĩnh vực văn hóa cũng không nhận được sự ưu đãi.

Công nghiệp văn hóa hiểu về bản chất là ngành kinh doanh sáng tạo. Trong khi chờ đợi khơi thông điểm nghẽn về chính sách, thời gian qua xuất hiện những mô hình hợp tác giữa Nhà nước, nhà đầu tư và khối sáng tạo trong công nghiệp biểu diễn. Những nỗ lực này đang tạo ra các sản phẩm đẳng cấp, thu hút các nguồn lực xã hội cả về tài chính, quản trị và sáng tạo, tiêu biểu là hình thành các sản phẩm công nghiệp biểu diễn gắn với du lịch, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Bài học từ các dự án hợp tác công tư thành công cho thấy mô hình này cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá tài nguyên văn hóa, tính toán và lựa chọn thứ tự ưu tiên ngành nào có tiềm năng thu hút tư nhân, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, khi đó mới có hy vọng đột phá, phát triển công nghiệp văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước