Đi tìm chỗ đứng cho phim Việt tại rạp

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/02/2023 13:55 GMT+7

VTV.vn - Ngoài yếu tố phân phối, việc kéo khán giả tới rạp xem phim Việt và mặn mà với những tác phẩm giá trị cần một hành trình dài.

Công chúng yêu điện ảnh có lẽ không quên tình huống xảy ra với đoàn làm phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Ngô Thanh Vân, với vai trò là nhà sản xuất của bộ phim, đã rơi nước mắt tại họp báo công bố ra rạp và cho biết không thể trình chiếu bộ phim tại cụm rạp CGV vì mâu thuẫn liên quan đến tỷ lệ chia sẻ doanh thu phòng vé.

Trong năm 2016, 8 đơn vị sản xuất, phát hành phim trong nước đã có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh và các cơ quan chức năng về việc bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé. Cụ thể, phim Việt do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45, trong đó CGV hưởng 55%. Còn với các phim Việt do doanh nghiệp phát hành tại hệ thống rạp CGV là 45/55, nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên và tỷ lệ hạ dần theo tuần. Một điều chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất.

Trong một thập kỷ trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng khoảng 20%/năm. Câu chuyện từ 2016 cho thấy việc một nhà phát hành nắm tỷ lệ áp đảo thị trường chiếm một ưu thế lớn như thế nào.

TS. Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - đã từng có bài viết về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, trong đó chỉ ra thực tế hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn tới tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim. Công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim, khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro thua lỗ, thậm chí phá sản. 40 phim Việt ra hàng năm phải đương đầu với hơn 200 phim nhập ngoại. Ngoài việc có nhiều tác phẩm bom tấn thế giới, việc dành suất chiếu đẹp cho phim ngoại cũng dẫn tới tâm lý chuộng phim ngoại, lâu dần ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tư duy của khán giả chủ lực đến rạp, ở độ tuổi từ 16 – 25.

Theo Nghị định mới được ban hành, từ 1/1/2023, phim Việt phải được chiếu trong các hệ thống rạp, đặc biệt trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước. Phim Việt được ưu tiên chiếu trong khung thời gian vàng từ 18 – 22h. Tuy nhiên, ngoài yếu tố phân phối, việc kéo khán giả tới rạp xem phim Việt và mặn mà với những tác phẩm giá trị cần một hành trình dài.

Cách đây 15 – 20 năm, trên sóng truyền hình tràn ngập phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… nhưng 10 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã giành lại thế thượng phong, với nhiều series được khán giả cả nước chờ đón. Đó là cả một chiến lượng bài bản, trong đó có việc dành khung giờ vàng trên các kênh VTV cho phim Việt.

Câu chuyện của phim truyền hình là gợi mở cho phim điện ảnh. Cần phải ứng xử văn hóa với phim có giá trị tư tưởng, nâng cao thẩm mỹ và thị hiếu công chúng. Không thể chỉ chạy theo doanh thu và coi đó là chân giá trị. Cần đầu tư quảng bá cũng như phân phối hợp lý cho những tác phẩm có giá trị, bởi điện ảnh, âm nhạc hay sách là sản phẩm văn hóa đặc thù. Nếu cứ quen ăn những món ăn dễ dãi, khán giả trẻ lâu dài sẽ coi đó là giá trị, chuẩn mực và dần bị lệch lạc về thẩm mỹ.

Việt Nam đã từng có những bộ phim cân bằng được nghệ thuật, giáo dục, giải trí và đoạt doanh thu cao. Nhiều trong số đó là cái bắt tay giữa nhà nước tư nhân trong sản xuất, tiếp thị và phát hành. Để bảo hộ phim Việt và xa hơn là văn hóa Việt qua môn nghệ thuật thứ 7, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải ưu tiên suất chiếu, quảng bá phim Việt tại rạp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước