Trong tuần thứ hai ra rạp, Đóa hoa mong manh vẫn không thoát cảnh ế vé bất chấp nhiều nỗ lực quảng bá, kêu gọi sự ủng hộ của khán giả từ phía nhà sản xuất – đạo diễn – diễn viên Mai Thu Huyền. Tính đến hết cuối tuần 21/4, theo thống kê từ Box Office Vietnam, Đóa hoa mong manh vẫn chưa thể đạt được ngưỡng 400 triệu và được cho là sẽ để lại khoản lỗ cực lớn. Cơ hội để lội ngược dòng với bộ phim là con số 0 khi mà những ý kiến đánh giá tích cực, động viên quá ít ỏi, lạc lõng giữa những lời chê thẳng thắn về chất lượng bộ phim cũng như góp ý nghiêm túc về định hướng, tư duy làm phim của Mai Thu Huyền.
Đóa hoa mong manh có thể sẽ sớm kết thúc hành trình ở rạp Việt nhưng phim được biết vẫn tiếp tục chiếu tại thị trường Mỹ và chuẩn bị tiếp cận các rạp chiếu ở Ấn Độ trong tháng 5.
Bộ phim mới của Thái Hòa giữ vị trí số 1 phòng vé cuối tuần qua không phải là điều bất ngờ. Vì so với hai phim Việt Đóa hoa mong manh và B4S - Trước giờ yêu, Cái giá của hạnh phúc được đánh giá nhỉnh hơn về nhiều mặt.
Thái Hòa được xem là cái tên bảo chứng cho Cái giá của hạnh phúc
Thời điểm ra rạp, Cái giá của hạnh phúc cũng không bị quá nhiều áp lực từ phim ngoại. Theo Box Office Vietnam, trong 3 ngày cuối tuần, phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm thu về hơn 10 tỷ đồng, giúp tổng doanh thu Cái giá của hạnh phúc vượt ngưỡng 15 tỷ đồng, tính đến ngày 22/4. Tuy nhiên, con số này chưa thực sự ấn tượng và tạo nên tình thế không an toàn cho ngôi vị số 1 của bộ phim, vì từ ngày 24 tới đây, Lật mặt 7: Một điều ước đã mở bán các suất sneak show và bắt đầu công chiếu chính thức từ 26/4 – đón đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.
So với một tân binh chỉ mới bước vào làm phim điện ảnh như đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm thì thương hiệu Lý Hải tỏ ra quá mạnh. Lật mặt 7: Một điều ước dán nhãn K (trẻ em dưới 13 tuổi có thể xem cùng người lớn), đưa phim tiếp cận đông đảo khán giả với nội dung có thể không mới nhưng dễ "chạm", dễ tìm được sự đồng cảm. Trong khi Cái giá của hạnh phúc là phim 18+, chọn khai thác câu chuyện đã khá cũ về ngoại tình, mà chỉ tính từ đầu năm tới khán giả Việt đã vài lần thưởng thức và thất vọng với Trà hay Quý cô thừa kế.
Thái Hòa mang đến hình ảnh khác lạ trong phim Cái giá của hạnh phúc
Nhân vật Thái Hòa thể hiện gây nhiều tranh cãi với các mối quan hệ "ngoài luồng" phức tạp, bất chấp đạo lý
Cái giá của hạnh phúc có nhiều điểm sáng như diễn xuất của Thái Hòa, đặc biệt trong cú "twist" gây sững sờ cuối phim, siêu mẫu Xuân Lan diễn như "rút ruột rút gan" trong vai mà cô dành trọn tâm huyết, đặt để nhiều kỳ vọng, cài cắm cả những câu chuyện được đúc rút từ hàng chục năm hoạt động nghệ thuật. Thời trang, cách xây dựng bối cảnh cũng là điểm cộng nổi bật của phim, mang đến cảm giác chân thực về nhà giàu. Là siêu mẫu, Xuân Lan khoác cho nhân vật bà Dương loạt trang phục bắt mắt, gợi liên tưởng đến xu hướng "xa xỉ thầm lặng" đang thịnh hành.
Xuân Lan diễn thuyết phục trong phim Cái giá của hạnh phúc nhưng nhân vật nói đạo lý khá nhiều và quá bi lụy
Có lẽ cũng do có quá nhiều điều muốn kể, muốn gửi gắm nên vai bà Dương của Xuân Lan chiếm nhiều thời lượng hơn mức cần thiết. Đa phần là đẫm nước mắt, vật lộn với những cảm xúc phức tạp của một người vợ, người mẹ theo đuổi sự hoàn hảo nhưng vỡ mộng vì thực tế quá bẽ bàng. Nếu đạo diễn phim chăm chút hơn cho câu chuyện riêng của hai nhân vật, nhất là về quá khứ thay vì chỉ đơn thuần qua vài lời kể, vài bức hình minh họa thì khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục hơn khi chứng kiến loạt hành động, lời nói khó hiểu của họ. Cách xử lý chuyện người thứ ba của Cái giá của hạnh phúc có thể gợi cảm giác khá mới mẻ khi để gã đàn ông lăng nhăng, đam mê chạy theo dục vọng phải trả giá rất đắt nhưng sự biến đổi về cảm xúc, việc những người phụ nữ bắt tay hành động vẫn chưa tạo được sự thuyết phục, đồng cảm. Với những "hạt sạn" đáng tiếc, Cái giá của hạnh phúc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ở phòng vé sau tuần đầu công chiếu suôn sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!