Theo chương trình kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là chương trình thực hiện quy mô cả nước, bao gồm các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, thôn. Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, được thiết kế gồm 10 nội dung chính, trong đó xây dựng con người Việt Nam, cốt lõi là hệ giá trị chuẩn mực đạo đức và phát triển công nghiệp văn hóa là những điểm mới được nhấn mạnh hàng đầu.
Nhìn lại những giai đoạn trước, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực sự là nguồn lực hỗ trợ, tạo xung lực cho sự hồi sinh và phát triển của nhiều công trình giá trị văn hóa. Như di tích đền Vua Đinh - Vua Lê nhờ có sự đầu tư tôn tạo kịp thời đã trở thành điểm hút du khách trong và ngoài nước. Đây là một trong 1.500 di tích quốc gia được hỗ trợ chống xuống cấp, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015...
"Tôi có thể nói nó phát huy được giá trị rất lớn, thay đổi nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa" -TS. Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy bân Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ - "Đó là một đóng góp đáng kể. Cụ thể nhất ở đây là nó nâng cao đời sống văn hóa, đặc biệt ở cơ sở'.
Theo các chuyên gia, đặt vấn đề xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vào thời điểm này rất trúng, nhằm tiếp tục hiện thực hóa những quan điểm được ra trong Nghị quyết Đại học XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 về đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội bền vững cho đất nước.
"Một câu ngắn gọn đó là đúng và trúng. Yêu cầu của nhiệm vụ thời kỳ mới, thời kỳ phát triển bền vững, phát triển cao với khát vọng vươn lên thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì rõ ràng, vai trò của văn hóa cần phải được nâng lên, hiểu đúng và triển khai tốt. Nên Chương trình mục tiêu quốc gia trúng về thời điểm, thời gian và yêu cầu để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới", TS. Nguyễn Viết Chức nói thêm.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 20225 - 2035 đang nhận được sự quan tâm đóng góp các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện trình Quốc hội trong kỳ họp này. Thời gian dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn, làm sao để tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm trọng điểm hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng của chương trình, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa song song với phát triển kinh tế xã hội.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng chương trình là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng cấp bách của ngành văn hóa. Do vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các đột phá, thúc đẩy lợi ích kinh tế từ lĩnh vực này, từ đó đóng góp GDP cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!