Chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ VHTT-DL đang hoàn thiện được ví như "nguồn sữa mẹ" cho ngành văn hóa

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/01/2024 16:01 GMT+7

VTV.vn- Bộ VHTT-DL đang tích cực hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, xã hội ngày càng được cụ thể hóa trong các quyết sách, chương trình phát triển từ Trung ương đến địa phương. Tư duy về văn hóa đã có sự chuyển biến, từ coi đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang xác định chăm lo cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, lâu dài. Mới đây nhất, hàng loạt tỉnh ven biển miền Trung đã có những động thái quyết liệt để trả lại không gian chung cho cộng đồng, sau một thời gian dài chạy theo các mục tiêu kinh tế tăng trưởng nóng. Thay vì các khu đô thị, nhà hàng, các địa phương này có thêm nhiều vườn hoa, bãi biển công cộng để cả cộng đồng được hưởng thụ lợi ích, nâng cao đời sống tinh thần người dân.

"Nhà nước khi ra chế độ đãi ngộ còn phụ thuộc rất nhiều vào quy định của Bộ Tài chính, của Luật Thi đua khen thưởng, phụ thuộc vào mức lương tối thiểu… cho nên sẽ không thể thỏa đáng cho các nghệ nhân. Nhưng tích cực là các địa phương đã chủ động bù đắp vào các phần khuyết thiếu như thế, huy động được sự quan tâm và vào cuộc của các địa phương sẽ góp phần hỗ trợ cùng Nhà nước để đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh các nghệ nhân", GS.TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề ngân sách, thiết chế văn hóa, chính sách đãi ngộ nghệ nhân - những người được UNESCO coi là báu vật nhân văn sống – cũng đã có những bước chuyển biến. Tính từ năm 2014 tới nay, cả nước có hơn 2.000 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Các địa phương ngày càng nhận ra vai trò của nghệ nhân, từ đó chủ động thiết kế những chính sách động viên thiết thực dành cho họ.

"Từ Trung ương đến địa phương, việc chi ngân sách cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao có sự tăng lên đáng kể. Một số nhiệm vụ đã được các địa phương đặc biệt quan tâm, như đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa, nhất là các di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp trầm trọng; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thể dục quần chúng để nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa văn nghệ của người dân; công tác truyền thông về chính sách, đặc biệt với công tác phòng chống bạo lực gia đình, cũng được Bộ VHTT-DL cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm", bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Hiện tại, Bộ VHTT-DL đang tích cực hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Chính phủ và Quốc hội trong năm 2024, với nguồn kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, được ví như "nguồn sữa mẹ" để phát triển ngành văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để Chương trình này được chảy đúng về nơi cần, tức là có cơ chế đầu tư hiệu quả, trúng đích, tránh lãng phí. Nhưng có thể khẳng định Chương trình này có thể tạo ra sự khởi sắc mới cho văn hóa đất nước, dựa trên quan điểm đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, cho tương lai và sự phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước