Theo đó, kể từ ngày 17/01/2018, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không còn là đại diện quản lý và khai thác các quyền tác giả đối với các tác phẩm của cố Nhạc sỹ - Thiếu tướng An Thuyên. Mọi công việc liên qua đến sử dụng và bảo vệ quyền tác giả sẽ được thực hiện và quyết định bởi gia đình nhạc sỹ An Thuyên theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ về lý do cho quyết định này, nghệ sỹ Huyền Lâm, vợ cố nhạc sỹ An Thuyên gửi lời cảm ơn tới VCPMC đồng thời cho biết thêm, gia đình hàng tháng, hàng quý vẫn nhận được khoản tiền từ Trung tâm với nhiều mức khác nhau. Tuy nhiên, sau nhiều bàn bạc và thống nhất, gia đình muốn tự khai thác và quản lý các tác phẩm của cố nhạc sỹ.
Nói thêm về quyết định này, ca sĩ Bông Mai, con gái của nhạc sỹ An Thuyên khẳng định, gia đình quyết định rút các tác phẩm về không phải vì nguồn thu tác quyền mà do gia đình muốn tự quản lý, khai thác các tác phẩm và đầu tư phát triển ca khúc hơn.
Gia đình nhạc sỹ An Thuyên: nghệ sỹ Huyền Lâm, nhạc sỹ An Hiếu và ca sỹ Bông Mai trong cuộc giao lưu với báo chí
"Từ trước đến nay, phía VCPMC chỉ làm mỗi việc là thu tiền tác quyền các tác phẩm qua những sản phẩm có sẵn, thậm chí có những bản đã tồn tại hơn chục năm nay chứ không làm mới các tác phẩm. Ví dụ, chất lượng bản ghi của ca sĩ Quang Linh ca khúc "Ca dao em và tôi" tới thời điểm này cũng không còn tốt như trước nữa.
Gia đình chúng tôi nghĩ rằng, để khai thác tác phẩm tốt hơn thì phải có sự đầu tư mới. Chính vì VCPMC không làm được điều mà chúng tôi mong mỏi nên chúng tôi quyết định dừng việc hợp tác", con gái của cố nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.
Nhạc sỹ An Thuyên được công chúng yêu mến với hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như Em chọn lối này, đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền Quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi...
Không chỉ sáng tác ông còn có công đào tạo dìu dắt nhiều thế hệ học sinh của trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) như Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Phạm Phương Thảo, Vũ Thắng Lợi…
"Chúng tôi luôn cảm ơn những gì VCPMC đã làm trong việc bảo vệ tác quyền cho các nhạc sĩ, trong đó có cha tôi. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số thì việc quản lý các tác phẩm âm nhạc cần được thực hiện chặt chẽ hơn trong khi nhiều điều khoản của VCPMC chưa thoả đáng nên chúng tôi quyết định sẽ tự thực hiện quản lý các tác phẩm của cha mình theo cách gia đình", nhạc sỹ An Hiếu, con trai của nhạc sỹ An Thuyên nói thêm về "cuộc chia ly" mà theo anh là cả gia đình đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài việc công bố rút các tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên ra khỏi VCPMC, ca sỹ Bông Mai và nhạc sỹ An Hiếu cũng giới thiệu Dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi mang tên "Sing Chanel" - Hãy để trẻ em Việt Nam được hát bài hát bài hát Việt Nam.
Dự án âm nhạc này hướng đến đối tượng thiếu nhi và thanh thiếu niên Việt Nam trong và ngoài nước. Việc tuyển chọn, phổ cập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam tới công chúc được thực hiện qua các MV, Audio hay những sự kiện cộng đòng dựa trên nền tảng âm nhạc.
Các sản phẩm âm nhạc được sáng tạo theo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau Acoustic, Acapella với sự tham gia của các ca sỹ nổi tiếng như Bảo Trâm, Nguyễn Trần Trung Quân... cùng các giọng hát nhí nổi bật như Nhật Minh The Voice Kid, Ngọc Linh, CLB Sao Tuổi thơ...
Sing Channel được phát triển trên nền tảng gần 3000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sỹ sinh năm 1930 trở lại đây, đã được biên tập và xuất bản dưới tên Tổng tập các bài hát thiếu nhi Việt Nam "Giai điệu tuổi thần tiên" do cố Nhạc sỹ, Thiếu tướng Nguyễn An Thuyên chủ biên.