Gánh cải lương Thiên Lý mới chỉ ra mắt gần đây nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Không gian của gánh là một căn hộ tại chung cư cũ thuộc Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lọt thỏm trong căn phòng nhỏ là sân khấu chỉ vừa cho khoảng 3 - 5 người đứng. Căn bếp phía sau trở thành chỗ ngồi cho ban nhạc. Do không gian hạn chế nên mỗi suất diễn chỉ có thể dành cho tối đa 50 khán giả.
Điểm đặc biệt là những nghệ sĩ tham gia trong gánh cải lương Thiên Lý đều hoạt động phi lợi nhuận. Các suất diễn hoàn toàn miễn phí cho những khán giả đăng ký qua trang mạng xã hội của gánh hát.
Các nghệ sĩ với khán giả trong không gian gánh hát Thiên Lý (Ảnh: Facebook Gánh cải lương Thiên Lý)
Đây là tâm huyết của ekip đã từng tạo nên thành công của phim Song Lang là đạo diễn Leon Quang Lê và cô đào Tú Quyên. Địa điểm tổ chức chính là nhà thuê của đạo diễn khi về nước. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật tại quê nhà, anh và các đồng nghiệp nhận thấy hiện nay vẫn có nhiều người yêu thích và muốn tìm hiểu về cải lương nhưng chưa có điều kiện. Đồng thời những cải lương cũng không có nhiều không gian trình diễn. Vì thế họ đã lập nên gánh hát Thiên Lý với hình thức thật đặc biệt.
Ban nhạc của gánh hát gồm những nhạc công nhiều độ tuổi khác nhau nhưng có chung tình yêu nghệ thuật. (Ảnh: Facebook Gánh cải lương Thiên Lý)
Tuy nơi biểu diễn nhỏ hẹp nhưng các suất diễn đều đặn mở màn đúng giờ và luôn chật kín chỗ. Từng làn điệu cất lên trong không gian thật gần giữa nghệ sĩ và khán giả càng làm cho tiếng hát, tiếng đàn thêm thăng hoa. Cứ đúng hẹn 19h các buổi tối Chủ Nhật, những vở tuồng cải lương Dương hoàng hậu, Độc thoại đêm, Chuyện cổ Bát Tràng... lại làm say mê những khán giả mộ điệu.
Ngoài những buổi biểu diễn, nghệ sĩ Tú Quyên cũng thường mở các buổi nói chuyện chuyên đề xoay quanh nghệ thuật cải lương. Những câu chuyện đời, chuyện nghề được các nghệ sĩ chia sẻ chân thật nhất với mong muốn tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật cải lương trong giới trẻ.
Khán giả thưởng thức các điệu hò theo cách truyền thống (Ảnh: NVCC)
Chương trình trình diễn văn hóa nghệ thuật Hò ơi do sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic TPHCM tổ chức giữa tháng 7 vừa qua cũng thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến. Trong không gian của khán phòng nhỏ, 150 khán giả đã có buổi thưởng thức những tiết mục nghệ thuật và tìm hiểu thêm về văn hoá Nam Bộ. Không gian khán phòng thiết kế như một buổi hát ở đình làng với những chiếc chiếu trải xuống đất, mọi người ngồi quây quần xem biểu diễn.
Nghệ sĩ Quốc Thảo luôn ủng hộ các hoạt động nghệ thuật hướng về cội nguồn của sinh viên. (Ảnh: NVCC)
Hò ơi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ vì ý nghĩa đặc biệt. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của NSND - Nhạc sĩ Hồ Văn Thành, nghệ sĩ Quốc Thảo kết hợp với nhóm kịch Quốc Thảo...
Những bộ môn nghệ thuật truyền thống là tinh hoa đúc kết qua nhiều thế hệ người Việt. Khi guồng quay cuộc sống ngày càng cao, nhiều loại hình giải trí mới mẻ xuất hiện khiến nhiều nét đẹp văn hoá dân gian bị mai một. Vì vậy những hoạt động nghệ thuật nhỏ nhưng nhiều tâm huyết đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!