Từ vài năm nay, Graffiti đã trở thành trào lưu nghệ thuật được yêu thích bởi giới trẻ khắp nơi trên thế giới. Những bức tranh truyền tải ý nghĩa thông điệp xã hội, hoặc cũng có khi chỉ đơn giản thể hiện sắc màu cuộc sống. Nhưng cũng có những bức vẽ bị cộng đồng phản đối, chê trách do ảnh hưởng tới mỹ quan công cộng. Nói điều này để thấy ranh giới giữa nghệ thuật và bôi bẩn, đẹp và không đẹp thật mong manh.
Tình trạng viết, vẽ bậy mạo danh nghệ thuật đường phố đang tràn lan tại TP.HCM. Bất cứ chỗ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của những hình vẽ phản cảm, đến nỗi giờ hỏi đến Graffiti, người dân chỉ cảm thấy bị ám ảnh. Việc vẽ bậy lên tường không chỉ làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật kém của người vẽ. Vào năm 2017, tàu metro Cát Linh Hà Nội từng bị vẽ bẩn tương tự toa tàu tại TP.HCM.
"Cùng là hoạt động Graffiti có thể được coi là hoạt động bôi bẩn hay tác phẩm. Tôi cũng có ý thức riêng của mình là chọn địa điểm không ảnh hưởng tới người khác, bản thân cũng phải xem xét về ngôn ngữ, thông điệp và cách thể hiện của mình có phù hợp với người xung quanh không. Dù ít hay nhiều thì từ những hành động nhỏ thì dần dần xã hội sẽ hiểu hình thức thể hiện Graffiti như một loại hình nghệ thuật thị giác", họa sĩ Trần Tiến Dũng chia sẻ.
Khi đã yêu thích Graffiti, người vẽ rất cần những không gian, mảng tường đủ lớn. Lúc đầu, chúng dùng để tập luyện, sau đó thành thục hơn thì dùng để thỏa sức thể hiện bản thân. Tuy nhiên, tường đâu phải là chỗ ai muốn cũng có thể vẽ lên.
Các nghệ sĩ trên thế giới đã có nhiều cách để tìm chỗ đứng của loại hình Graffiti. Để các nghệ sĩ Graffiti thực thụ có điều kiện phát triển, chính quyền cũng cần tạo điều kiện nhất định như xác định địa điểm được vẽ, các quy định cụ thể cấp phép cho nghệ sĩ triển khai ý tưởng trong thực tế, nhờ đó họ có thể khẳng định cá tính nghệ thuật của riêng mình. Không ít tác phẩm Graffiti và tranh tường đã khiến diện mạo thành phố trở lên đẹp hơn khi được thực hiện đúng chỗ và mang tính nghệ thuật.
Vài năm trở lại đây, Graffiti đã được đưa vào trong triển lãm. Các nghệ sĩ sáng tác trực tiếp trước sự thưởng lãm của hàng ngàn lượt khán giả. Hợp tác, chia sẻ và làm việc nghiêm túc, Graffiti Việt sau hơn 20 năm đã dần định hình phong cách của mình.
"Nhiều hình thái được chúng tôi lấy cảm hứng, tư liệu của dân gian để làm như tranh dân gian, tượng hoặc tuồng" – họa sĩ Trần Tiến Dũng cho hay – "Thời kỳ sơ khai, với những người bắt đầu vẽ, người ta thực hiện Graffiti cho bản thân, nên chủ đề xuyên suốt của người vẽ Graffiti là viết tên mình. Nhưng sau khoảng 20 năm, khi Graffiti phát triển, chúng tôi cũng vẽ những bức tranh có hoa, có chủ đề rõ ràng như về âm nhạc hay thể thao, để mọi người có thể yêu truyền thống của mình hơn, đồng thời có sự đồng cảm với Graffiti".
Từ vẽ tự do đến vẽ đúng chỗ, vẽ cái mình thích đến vẽ cái phù hợp với không gian xung quanh, nghệ thuật hay bôi bẩn, đẹp hay xấu, tất cả chỉ cách nhau một lằn ranh, đó là ranh giới của nhận thức và trách nhiệm với cộng đồng. Một tác phẩm có thể nói là thảm họa khi không đặt đúng chỗ, nhưng cũng có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật xuất sắc khi được cộng đồng đón nhận, tạo ra giá trị về thẩm mỹ văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!