Xây dựng văn hóa số, văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử và bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các cơ quan văn hóa trong thời gian tới. Đây là một trong những yêu cầu bức thiết của thời đại khi mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh, quá nóng của các nền tảng mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển mạng xã hội nhanh nhất thế giới, với số lượng người dùng đông đảo. Theo We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay là 76 triệu người. Việt Nam cũng là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn.
Để trở thành một người có sức ảnh hưởng rất lớn trên mạng xã hội, cần khoảng 300.000 người theo dõi trên Facebook và trên Tiktok là 500.000 người theo dõi. Nếu vào năm 2019, cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất có khoảng 800.000 lượt thảo luận thì nay con số này vào gần 2.000.000 thảo luận.
Sức ép với người nội dung số ngày càng gia tăng, giống như con đường khi có ít xe cộ qua lại, tốc độ chậm thì giao thông sẽ dễ dàng, chưa cần quá nhiều quy định. Tuy nhiên, khi lượng xe cộ nhiều lên, cần bổ sung các quy định, tăng người giám sát ở các chốt giao thông, đổi mới công nghệ để quá trình giám sát tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh, không thể thiếu hai yếu tố quyết định, đó là luật pháp và giáo dục. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều động thái tích cực nhằm xử lý các vi phạm trên nền tảng mạng xã hội. Một số nền tảng cũng đưa ra lời hứa sẽ chấn chỉnh tình trạng này. Nhưng thực tế, còn nhiều vấn đề ngổn ngang cần giải quyết, đặc biệt khi luật lệ, chế tài còn chưa thực sự bao quát hết.
Không gian mạng hiện đã bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, như kinh tế, giải trí, giáo dục, đời sống… Vì thế, theo các chuyên gia, để xây dựng một môi trường văn hóa trên không gian mạng cần một giải pháp tổng thể trên nhiều lĩnh vực luật pháp, hành pháp và giáo dục.
Những chế tài quản lý chi tiết, chặt chẽ được trông đợi sẽ gỡ rối cho môi trường mạng. Song chính những người tham gia mạng xã hội cũng cần phải chung tay làm sạch môi trường đó bằng sự tỉnh táo, giữ an toàn thông tin cá nhân, nghiên cứu kỹ trước khi bấm yêu thích hay chia sẻ, bởi làm sạch môi trường mạng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan chức năng mà còn trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!