Mạnh tay xóa bỏ tâm lý mạng xã hội là nơi dung dưỡng cho bạo lực

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/11/2023 13:22 GMT+7

VTV.vn - Để xóa tâm lý mạng xã hội là nơi dung dưỡng cho bạo lực mạng mà không bị ai xử lý, cần có chế tài pháp lý đủ mạnh, các biện pháp quyết liệt từ cơ quan thực thi pháp luật.

Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ vào chiều 7/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu đã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội tấn công. Đây không phải lần đầu câu chuyện này được nhắc đến. Vấn nạn bạo lực mạng từng được đề cập nhiều lần, dưới nhiều góc độ.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc công bố tháng 5/2023, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại là 3 trong 4 trẻ em bị bắt nạt không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. Vậy ai sẽ bảo vệ những nạn nhân bị bạo lực mạng? Một thực tế là hiện nay, nhiều nạn nhân của bạo lực mạng thường có tâm lý sợ hãi và im lặng chấp nhận.

Pháp luật quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân, bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác, với mức phạt tù cao nhất là 5 năm, hoặc tội vu khống với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

Thế nhưng, chính các luật sư cũng thừa nhận thực tế còn nhiều khó khăn khi các nạn nhân muốn bảo vệ quyền lợi của mình. "Nhiều hành vi vi phạm pháp luật được biết rõ nhưng chưa được xử lý nên nhiều người coi thường pháp luật" – Luật sư Nguyễn Danh Huế chia sẻ - "Điều thứ 2 là khi đấu tranh với các loại tội phạm, với các hành vi vi phạm này vì ở trên không gian mạng nên tương đối khó khăn. Thêm một vấn đề nữa là khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người bị ảnh hưởng quyền lợi muốn khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì quy trình tố tụng kéo quá dài, thậm chí còn kéo dài đến cả năm, nhưng mức bồi thường theo pháp luật hiện này chỉ là hơn 10 tháng lương cơ sở".

Các chuyên gia cũng cho rằng tính ẩn danh của Internet khiến việc "ném đá", xúc phạm tập thể trở nên mạnh mẽ hơn. Để xóa đi tâm lý mạng xã hội là nơi dung dưỡng cho bạo lực mạng mà không bị ai xử lý, cần phải có chế tài pháp lý đủ mạnh, các biện pháp quyết liệt từ cơ quan thực thi pháp luật, để cộng đồng nhận thức rõ rằng mọi môi trường dù đời thực hay ảo thì đều cần có quy tắc, quy chuẩn. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để xây dựng hệ thống pháp lý cho không gian mạng.

Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện các thể chế chính sách để xây dựng các quy chuẩn, quy định về các hành vi ứng xử trên không gian mạng. Tại phiên chất vấn Quốc hội vào ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm chống lại tình trạng xâm hại, bạo lực mạng.

Confession - Tâm sự ẩn danh hóa bạo lực mạng Confession - Tâm sự ẩn danh hóa bạo lực mạng

VTV.vn - Mạng xã hội là ảo, nhưng đã có những hậu quả thật đến với những nạn nhân của những confession xấu độc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước