Ở nhiều quốc gia trên thế giới, truyện tranh là ngành mang lại nhiều lợi nhuận, tạo ra nhiều việc làm và là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Một hệ sinh thái truyện tranh đã được xây dựng và phát triển trong nhiều năm. Ở đó, truyện tranh được đánh giá là nhân vật chính, cùng với phim hoạt hình, đồ chơi, đồ lưu niệm.
Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, truyện tranh chưa được chào đón nồng nhiệt bởi sự e ngại truyện tranh chỉ cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện tại điều đó đã thay đổi. Bắt kịp với xu hướng chung của thế giới, các tác giả, họa sĩ của truyện tranh, các nhà xuất bản đã bắt tay vào đa dạng hóa đề tài sản phẩm, hình thức thể hiện để phục vụ nhiều đối tượng độc giả.
Trong nhịp sống gấp gáp, con người có xu hướng xem nhiều hơn đọc. Truyện tranh, sách tranh là lựa chọn của nhiều người, không chỉ với trẻ em mà còn với độc giả trưởng thành. Chính sự tối giản ngôn ngữ, hình ảnh đầy tượng hình, màu sắc tạo ra những khoảng không gian thú vị để người đọc tự bay bổng, tưởng tượng theo cách riêng của mình từ những gợi ý trong truyện và tranh. Nhân vật và đề tài truyện tranh ngày càng phong phú, truyện về gia đình đời thường, phiêu lưu hài hước, trinh thám…
Trên thế giới, truyện tranh – loại hình nghệ thuật kết hợp giữa văn chương và hội họa – không chỉ là một phần của ngành xuất bản mà còn là một ngành công nghiệp sáng tạo phát triển sôi động. Tại Việt Nam, lĩnh vực này đã nhen nhóm những bước đi đầu tiên. Điển hình như trường hợp của bộ phim điện ảnh Trạng Tí có nguyên mẫu nhân vật, kịch bản chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Các nhà xuất bản, họa sĩ truyện tranh Việt Nam cũng đã hướng tới xây dựng một hệ sinh thái truyện tranh, đóng góp trực tiếp cho ngành xuất bản và nhiều lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa.
Nhìn ra thế giới, sự nhận dạng thương hiệu truyện tranh đã được xác lập những cái tên như manga (Nhật Bản), Comic (châu Âu)… Không chỉ thành công về thương mại khi tạo ra doanh thu về lĩnh vực văn hóa mà cao hơn, hệ sinh thái truyện tranh còn cho thấy một tầm nhìn xa về cơ hội quảng bá văn hóa. Khi dịch các tác phẩm này sang thứ tiếng khác, sản phẩm truyện tranh còn là cơ hội để giới thiệu đất nước, con người, văn hóa đến thế giới.
Chiến lược phát triển văn hóa đất nước đến năm 2030 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP. Hiện nay, các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, với ngành công nghiệp hình ảnh nói chung và truyện tranh nói riêng, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá. Cả nhà xuất bản, nhà văn, họa sĩ vẫn đang vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Việc có được một hệ sinh thái truyện tranh có đầy đủ điều kiện chắp cánh cho các tác phẩm, đóng góp cho công nghiệp văn hóa vẫn còn là chặng đường dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!