Không gì có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn những câu chuyện đời thực. "Hi vọng 2025" với chủ đề Vẻ đẹp của sự kiên trì đã mở ra những hành trình đầy cảm hứng của 6 nhân vật trên con đường theo đuổi đam mê và chinh phục ước mơ. Họ mang đến những trải nghiệm chân thực về lòng kiên trì - không chỉ trong nghệ thuật hay thể thao, mà còn trong chính những thử thách đời thường.
Hai MC cùng 6 nhân vật và các ca sĩ biểu diễn trong chương trình.
Rhymastic: Từ chiếc mic mua bằng tiền vay mẹ… đến sân khấu lớn
Câu chuyện của rapper, "anh tài" Rhymastic (tên thật Vũ Đức Thiện) là minh chứng cho sự kiên trì để theo đuổi đam mê. Cha mẹ phản đối Thiện theo âm nhạc và mong muốn con sẽ trở thành kỹ sư xây dựng. Ban ngày Thiện vẫn đến trường miệt mài đủ 5 năm để nhận bằng kỹ sư xây dựng nhưng vì yêu nhạc, ban đêm, anh lại mày mò làm nhạc kiểu "con nhà nghèo" - không tên tuổi, không tiền bạc, không người ủng hộ. Năm 2009, Vũ Đức Thiện chính thức đổi nghệ danh thành Rhymastic và chính thức bước vào con đường âm nhạc.
Rhymastic khởi nghiệp bằng 8 triệu đồng vay của mẹ để mua một chiếc mic karaoke và cặp loa. Hơn 1 năm sau, anh mới trả hết nợ. Nhìn lại điểm xuất phát đó, nam rapper khẳng định: "Cái khoảng thời gian nằm gai nếm mật đấy định nghĩa những gì mà mình sẽ trở nên sau này". Anh tự nhận mình đã chọn con đường khắc nghiệt, nơi có những người xuất phát cùng mình nhưng đã không đến đích cùng mình, bởi có nhiều sự giằng co giữa cơm áo gạo tiền và đam mê.
Với sự kiên trì và với một loạt "hit" sau đó như Yêu 5, Cứ chill thôi..., Rhymastic đã chứng minh cho gia đình thấy đây không chỉ là đam mê, mà còn là con đường nghiêm túc. Quá trình đó không chỉ là hành trình đi tìm sự thừa nhận, mà còn là bản lĩnh của một nghệ sĩ.
Rhymastic cho rằng: "Cái khoảng thời gian nằm gai nếm mật đấy định nghĩa những gì mà mình sẽ trở nên sau này".
7dnight: Số 7 đặc biệt và hành trình chấp nhận bản thân
Đều kiên trì theo đuổi đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng hành trình của rapper 7dnight (tên thật Ngô Tuấn Đạt) lại mang một màu sắc rất khác so với Rhymastic. Ở đó có lắm sự gian truân, mặc cảm và cả cô đơn.
Số 7 trong nghệ danh có ý nghĩa đặc biệt đối với 7dnight - đó là số ngón trên hai bàn tay của anh, đó cũng là số năm anh lao động ở Hàn Quốc. Mong muốn gia đình đỡ nghèo, đỡ khổ, 18 tuổi, Đạt đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Trong một lần, anh đã đi xin việc liên tiếp khoảng 5 nơi nhưng cả 5 nơi đều từ chối chỉ vì một bàn tay trái tật nguyền. "Lúc em tuyệt vọng nhất là khoảnh khắc em đã thực sự cố gắng gấp 2-3 người khác nhưng vẫn nhận lại những cái lắc đầu" - Đạt nhớ lại - "Đó là quãng thời gian mà em ghét bỏ mình nhiều nhất".
"Sự chấp nhận bàn tay tật nguyền của mình, chấp nhận bản thân mình. Đó là việc làm can đảm nhất mà em từng làm" - 7dnight chia sẻ.
Những lời động viên, yêu thương của bố mẹ qua điện thoại là động lực lớn đối với Đạt. Anh bắt đầu làm đủ thứ việc từ xây dựng, công xưởng, đồng áng, rửa bát, chạy bàn... Thời điểm đó, âm nhạc như là điểm sáng giúp chàng trai trẻ bớt lạc lõng, cô đơn. Đạt phải đi làm 12-14 tiếng một ngày, không có thời gian dành cho âm nhạc nên khi nảy ra ý tưởng trong đầu, anh lại lén ông chủ vào nhà vệ sinh để viết ra giấy những câu rap bất chợt. Để đêm về, anh lại thỏa sức sáng tạo, sống với đam mê âm nhạc.
Suốt 7 năm kể từ ngày sang Hàn Quốc, Đạt đã không về Việt Nam lần nào. Vì thế, anh khẳng định với MC Trần Ngọc rằng: "Lúc em cảm thấy em "ngon" nhất là lúc em vừa đặt chân về Việt Nam sau 7 năm. Lúc em ngửi thấy mùi quê hương Việt Nam - mùi đường sá xe cộ, mùi rơm rạ…".
Có giai đoạn Đạt chỉ xem âm nhạc là nơi bầu bạn, giải tỏa sự cô đơn. Nhưng đến một giai đoạn, Đạt lại nghĩ phải tôn trọng âm nhạc của mình bằng cách làm chỉn chu và nên đeo đuổi. Và 7dnight đã trở thành chủ nhân bản hit "Không sao cả" đang nằm trong Top 50 ca khúc thịnh hành nhất trên Spotify tại Hàn Quốc.
Sơn Tùng - Chàng trai giảm 75kg trong 1 năm
Một câu chuyện khác thắp lên trong mỗi chúng ta niềm cảm hứng và động lực mạnh mẽ để vượt lên chính mình, đó là Sơn Tùng "bye béo" - chàng trai giảm từ 170kg xuống 95kg sau một năm nỗ lực tập luyện.
Sơn Tùng từng học ngành bác sỹ đa khoa tại Trung Quốc. Anh bị béo phì sau 4 năm du học và đạt mức cân nặng 170kg sau 2 năm đại dịch COVID-19. Chàng trai rơi vào trầm cảm ở tuổi 35, sống chung với số bệnh tật liệt kê dài đủ một trang giấy, từ rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa đến rối loạn lo âu, mất ngủ và chứng ngừng thở khi ngủ. Việc di chuyển của Sơn Tùng gặp nhiều khó khăn, anh chỉ có thể đi chập chững từng bước và không làm được gì. Chàng trai cảm thấy rất tuyệt vọng không biết đi về đâu, làm thế nào. "Mình không đứng dậy tìm hy vọng cho chính bản thân mình thì sẽ chẳng có hy vọng nào cả" – anh tự nhủ. Trước cánh cửa sinh tử, Tùng quyết định bỏ hết toàn bộ công việc hiện tại ở TP Hồ Chí Minh để lên Buôn Ma Thuột giảm cân chỉ với mục tiêu duy nhất là hi vọng sống.
Sơn Tùng kiên trì trong quá trình giảm cân. Có lúc gần như anh muốn gục ngã.
Hành trình bắt đầu giảm cân là một thử thách rất lớn với Sơn Tùng. Khó khăn nhất là quãng thời gian trong 3 tháng đầu tiên - từ một người không muốn vận động để trở thành một người bắt buộc phải vận động. "Khi càng vận động mình càng ghét bản thân mình. Có lúc gần như mình gục ngã" - Sơn Tùng chia sẻ - "1 năm vừa qua, mình không hiểu tại sao mình có thể làm được". Hi vọng sống là điều giúp Tùng kiên trì đến khi giảm cân.
Sơn Tùng sau 1 năm giảm cân.
Khánh Vy - Hình mẫu của sự kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân
Cô gái gen Z cho biết luôn cố gắng thúc đẩy sức chịu đựng và sự kỷ luật bản thân mỗi ngày một tí một. "Mình muốn làm tròn tất cả vai trò mà mình đang có. Nghe hơi ôm đồm, nhưng mình nghĩ mỗi người đều có rất nhiều trách nhiệm: không chỉ trách nhiệm trong cộng đồng, trong tập thể của mình, mà còn trách nhiệm với chính bản thân mình. Và những vai trò, những trách nhiệm đó luôn nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng sống tốt hơn, sống cân bằng hơn" – Khánh Vy chia sẻ quan điểm của mình.
Cô khẳng định bản thân hiểu rất rõ cái đích mà mình muốn tới, cái mục tiêu của mình. Khi mình đã đặt ra mục tiêu đó, cô sẽ cố gắng đạt mục tiêu đó bằng tất cả những nỗ lực của mình.
Phóng sự trong chương trình Hi vọng cho thấy lịch trình một ngày của Khánh Vi vô cùng bận rộn từ 5:30 sáng cho tới 23:30 khi lên kế hoạch cho ngày tiếp theo. Khánh Vy khẳng định bản thân cô cảm thấy hạnh phúc khi bận rộn.
Ánh Viên: Hạnh phúc khi lan toả bộ môn bơi lội tới mọi người
Năm 2024 là một năm hạnh phúc và may mắn với Ánh Viên. May mắn vì cô tiếp tục với môn bơi lội, nhưng không phải là một VĐV mà là một cô giáo dạy bơi. Cô cảm thấy hạnh phúc khi lan toả bộ môn bơi lội tới mọi người và được tham gia phòng chống đuối nước.
Bước sang chặng mới này, Ánh Viên xác định sẽ là chặng hành trình dài để tìm ra các bạn nhỏ có niềm đam mê bơi lội giống mình lúc nhỏ, để đóng góp cho thể thao nước nhà. Năm 2025, Ánh Viên ấp ủ hy vọng đi đến các tỉnh thành phổ cập môn bơi lội, phòng chống đuối nước cho các bạn nhỏ.
Ánh Viên tiết lộ hồi nhỏ khi tập luyện, kiểu bơi nào cô cũng giỏi, chỉ có bơi ếch là dở. Nhưng cô đã kiên trì tập luyện nó để sau này giành huy chương vàng ở SEA Games 2015.
So sánh giữa một VĐV và một HLV, Ánh Viên cho rằng HLV áp lực hơn vì một người thầy một người dẫn dắt rất áp lực.
Quang Hải: Kiên trì nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày
Quang Hải cho biết bản thân chưa bao giờ có khái niệm thành công, luôn cố gắng làm tốt hơn ngày hôm qua. "Bóng đá nếu mình dừng lại hoặc cảm thấy hài lòng với bản thân mình thì mình sẽ tụt lại phía sau. Bởi vậy tôi luôn kiên trì nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày" – cầu thủ Quang Hải chia sẻ.
Ở tuổi 25 sau khi giành vinh quang trong màu áo CLB Hà Nội và ĐT Việt Nam, Quang Hải quyết định xuất ngoại thi đấu cho CLB Pau tại Pháp. Khi ra nước ngoài thi đấu, anh trải qua thời điểm khó khăn vì thích nghi ở môi trường mới. "Mình phải tự thích nghi, nhưng cuộc đời bóng đá ngắn mà mình muốn được chơi bóng nhiều hơn. Đó là quyết định mình trở về Việt Nam" – Quang Hải chia sẻ - "Khi về, mình cũng gặp một chút khó khăn. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình một điểm tựa, dù mình thành công hay gặp khó khăn".
Chia sẻ về thời gian ở CLB Pau, Quang Hải cho biết đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa. Anh như được nhìn ra một bức tranh rộng hơn, cảm thấy trưởng thành hơn. "Mỗi buổi thức dậy ở Pháp, tôi thường nhìn lên trần nhà và tự đặt câu hỏi Tại sao mình lại ở đây?". Sau khi suy nghĩ ngược lại, anh tìm ra câu trả lời rằng đến đây để thử thách bản thân và để chứng minh khả năng của người Việt Nam. Đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa. Năm 2025, ngoài công việc, Quang Hải đặt mục tiêu trở thành một ông bố giỏi.
Tất cả 6 nhân vật của Hi vọng 2025 đều đã và đang kiên trì bước tiếp. Trên hành trình mà mỗi người lựa chọn, họ sẽ tiếp tục đối mặt với những thử thách mới để bước đến thành công mới. Hi vọng 2025 là chương trình truyền hình đặc biệt đón năm mới được phát sóng thường niên kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam. Năm nay Hi vọng 2025 tôn vinh "vẻ đẹp của sự kiên trì" thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng của các khách mời. Chương trình có đồng hành của nhãn hàng OMO. Quý vị và các bạn có thể xem lại chương trình trên ứng dụng VTVGo và Youtube VTV Shows.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!