Văn hóa là mạch ngầm âm thầm nhưng có sức mạnh to lớn với sự phát triển của dân tộc. Do đó, trong thời chiến cũng như thời bình, mặt trận văn hóa có tầm quan trọng không kém mặt trận chính trị, quân sự hay kinh tế.
Vào ngày 24/11/2021, cách đây tròn 2 năm, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Trên cơ sở khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Có thể nói, những đổi thay trong hai năm qua trong đời sống văn hóa nước nhà không phải là những cảm nhận trừu tượng mà có thể đo đếm bước đầu bằng những sự kiện nổi bật, những con số biết nói, những công trình và sản phẩm cụ thể. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong hai năm qua, những chuyển động trong phát triển công nghiệp văn hóa chính là điểm sáng, đặc biệt nổi bật tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Có những chuyển biến rõ nét nhưng còn nhiều việc cần phải làm, điển hình là các vương mắc về luật, thể chế mới được nhận diện và chưa thể tháo dỡ ngay trong một sớm một chiều, khiến nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa còn hạn chế. Ngoài ra, còn nhiều thách thức khác nữa.
"Chúng ta không thể biến văn hóa trở thành một kiểu như phong trào, có mở đầu có kết thúc. Nó là một quá trình làm việc liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần. Thời gian qua, chúng ta có những thành tựu hoạt động văn hóa đang khích lệ, đáng mừng. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để tất cả các hoạt động cụ thể đó, trên các lĩnh vực văn hóa, có thể hội tụ để cùng xây dựng con người. Nói như một nhà thơ là làm tổ trong tinh thần con người những giá trị tốt đẹp về văn hóa, gạt bỏ, đấu tranh chống lại những gì xấu xa, đê tiện, tầm thường trong con người", GS.TS Đinh Xuân Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!