Nếu trong làng điện ảnh Việt Nam hôm nay có những "đạo diễn triệu đô" thì có thể gọi Huỳnh Tuấn Anh là một trong những đạo diễn có hiệu suất hoạt động cao nhất hiện nay với việc cho ra mắt nhiều bộ phim liên tiếp như Lô tô, Bình tĩnh mà yêu. Đặc biệt, dự án Gạo chợ nước sông mà anh đang thực hiện sẽ là một dấu son trong sự nghiệp điện ảnh của mình.
- Thực tế thị trường hiện nay, lực lượng mua vé chủ đạo lại đang là tuổi teen và phim tuổi teen một vài năm trở lại đây đang thắng thế với những phim như "Sắc đẹp ngàn cân", "Tháng năm rực rỡ", "Em là bà nội của anh". Các kịch bản của Hàn Quốc đang lấn át thị trường điện ảnh Việt, anh có lo ngại chuyện đó hay không?
Ban đầu tôi có phát hoảng bởi khán giả người quyết định tất cả nhưng bình tĩnh suy ngẫm sẽ thấy luôn luôn có đất sống cho phim thuần Việt nếu bạn chịu lắng nghe khán giả. Cách đây hơn 10 năm chúng ta từng mơ một nền thị trường điện ảnh bán vé và giờ chúng ta đã có.
Chúng ta từng lo sợ phim ngoại sẽ giết chết phim Việt nhưng chúng ta vẫn có những phim Việt trăm tỷ, thậm chí có những phim "giết" chết phim bom tấn trên sân nhà về doanh thu nên tôi hoàn toàn lạc quan về khán giả Việt.
- Hiện nay, anh đã triển khai bắt tay cho chiến dịch bộ phim mới Gạo chợ nước sông, dự kiến công chiếu trong năm 2018, anh có thể chia sẻ một số thông tin về bộ phim được không?
Phim đã chuẩn bị hơn 1 năm và đang trong giai đoạn tiền kỳ - phim về nghệ thuật sân khấu và di sản cải lương Nam bộ. Phim Gạo chợ nước sông dự kiến bấm máy vào tháng 9/2018.
- Đề tài về cải lương không mới trong điện ảnh nhưng Gạo chợ nước sông lại là một câu chuyện làm nhân dịp 100 năm cải lương nghe rất có tính lịch sử, tài liệu, anh sẽ làm thế nào?
Chúng tôi làm nghệ thuật, không làm phim tài liệu nên tất cả chỉ dừng lại ở yếu tố cảm xúc và cảm hứng. Cải lương ở trong phim trở thành yếu tốt cốt lõi nhưng không phải được mô tả đậm đặc mà liệu lượng, nó chỉ là cái nền cho một câu chuyện về văn hoá, tình yêu, thân phận con người Sài Gòn thời đoạn 1970.
Năm 1970 là thời điểm với bao nhiêu sự xáo trộn, hội nhập của văn hóa bản địa và văn hóa Pháp, Mỹ. Bộ phim hấp dẫn nằm ở chỗ chúng tôi tỉa tót cái hay, cái đẹp nhất về thời trang, âm nhạc trong thời đoạn sôi động hào nhoáng ấy để mang đến cho khán giả.
- Được biết, dự án này anh đã ấp ủ trong một thời gian khá dài, tháng 9 này mới bấm máy quay, lý do bị vướng là do đâu thưa anh?
Những đề tài văn hóa thường được dán mác là buồn, chậm, sến nên trở ngại nhất vẫn là bối cảnh và khả năng chi trả cho việc thiết kế. Cả ê-kíp quyết định tháng 9 quay để tìm thêm vốn đầu tư làm tới nơi tới chốn những cảnh có yếu tố lịch sử phức tạp.
- Diễn viên là một yếu tố không nhỏ để làm nên thành công của mỗi bộ phim. Về đề tài này, anh đã cùng ê-kíp có gặp khó khăn gì trong quá trình tuyển chọn để phù hợp với hình tượng nghệ sĩ tài danh xưa? Những diễn viên được chọn có nhất thiết phải hiểu rõ giá trị của cải lương?
Chúng tôi tuyển chọn diễn viên cho phim rất khắt khe. Tôi là người làm phim có quan niệm rất cực đoan trong khâu chọn vai. Diễn viên tôi chọn tuyệt đối không được thẫm mỹ vì nếu thẩm mỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính chân thật trong hóa thân vào người xưa. Tôi cùng ê-kíp kiên quyết bắt toàn bộ diễn viên tìm hiểu, đọc, thậm chí học hát cải lương dù có những nhân vật không cần biểu diễn và không có nghề nghiệp cải lương. Tuy rất vất vả nhưng mọi người đều cố gắng làm vì chất lượng tác phẩm.
- Cải lương có một đời sống đặc thù mà đỉnh cao là những gánh hát ở thập niên 70. Anh đã chọn kịch bản của nhà văn nào để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh? Anh có gặp những trở ngại nào khi làm việc với tác giả không?
Tôi bắt gặp Cuối mùa nhan sắc của Nguyễn Ngọc Tư từ rất lâu, thêm nữa, tôi là dân sân khấu chứng kiến sự suy diễn sai lệch và sự héo mòn dần của nghệ thuật di sản này nên đã ấp ủ từ 6 năm trước. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thật sự rất tinh tế và đa chiều nhưng rõ ràng đó là những tác phẩm mỏng về chất liệu cho điện ảnh nên tôi có xin ý kiến chị chỉ dừng lại ở phóng tác và chị em rất vui vẻ với nhau.
- Với gần 20 năm làm nghề, từng là tác giả của nhiêu kịch bản sân khấu cũng như phim điện ảnh, vậy tại sao anh không tự viết kịch bản cho Gạo chợ nước sông?
Tôi muốn mình có cái nhìn khác hơn về cái mình yêu. Tôi sợ mình chủ quan nên quyết định tách ra hẳn công việc viết. Tôi muốn nhìn tác phẩm thuần túy ở con mắt đao diễn. Khi bạn về hẳn đúng vai trò của mình, cái nhìn của mình như cái nhìn của người yêu với một cô gái đẹp. Đó cũng là thói quen, thường tôi chỉ sẽ làm tốt nhất 1 việc (cười).
- Hiện nay cải lương đang là một điều gì đó vừa quen vừa lạ với khán giả trẻ. Anh có tham vọng biến Gạo chợ nước sông thành một cầu nối cho tình yêu của giới trẻ với cải lương?
Tham vọng lớn nhất vẫn là sau khi xem xong bộ phim người trẻ có cái nhìn đúng về bộ môn văn nghệ của dân tộc. Họ ra khỏi rạp và nhớ dân tộc mình có môn nghệ thuật như thế là mong mỏi lớn nhất.
Điện ảnh và Gạo chợ nước sông là cách tôi đi đường vòng để mong quảng bá cải lương với lớp khán giả trẻ gần như không hề biết nó là gì. Nó cũng là sự trả ơn của tôi với sân khấu, nơi nuôi tôi no cơm ấm áo và trưởng thành suốt quãng thời gian dài.
- Anh đã từng là một nhà giáo. Vậy tại sao anh không tiếp tục công việc đó? Phải chăng anh nhìn thấy cơ hội trong sự nghiệp đạo diễn để rồi quyết định "tấn công"nó hay chủ động thay đổi để phù hợp với thời cuộc?
Ở đời ai cũng có nhiều kỹ năng và quan trọng bạn chọn cái gì để đeo đuổi làm sự nghiệp. Với nghề giáo viên cao đẹp, bạn có thể tiếp xúc với một giới hạn nhất định qua một bài giảng nhưng với một người làm phim, bạn nới rộng biên độ đó gấp hàng nghìn lần. Tôi luôn có mong ước mang cái đẹp đi xa, lan tỏa càng rộng càng tốt.
- Nếu được lựa chọn "công việc cuối cùng" để song hành với cuộc đời mình, anh sẽ chọn gì?
Tôi sẽ trở lại dạy học vì dòng máu sự phạm chưa bao giờ ngừng chảy trong tôi.
- Đã hết một nửa chu kỳ của năm 2018, anh đã có thêm những dự định, những kế hoạch mới nào cho chu kỳ còn lại?
Tôi còn một dự án lớn cho 2019 đó là Vị thái giám cuối cùng. Đây là bộ phim khó hơn, hóc búa hơn nhưng vẫn nằm trong chủ đề mà tôi lựa chọn, đó là khai thác về văn hóa - lịch sử - con người Việt Nam xưa.
Xin cảm ơn anh!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!