In sách về sử thi Bahnar phát cho học sinh

Văn Thông (TTXVN) - Thể thao & Văn hóa-Thứ sáu, ngày 15/05/2015 11:05 GMT+7

VTV.vn - Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Sử thi Bahnar đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia vào tháng 9/2014.

Tỉnh Gia Lai đã có nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Bahnar trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của cộng đồng và xã hội.

Trước mắt, tỉnh dành một phần kinh phí từ ngân sách địa phương để in thành sách các bài kể, bài hát về sử thi và tổ chức cấp phát cho các trường có học sinh là người dân tộc thiểu số, nhất là ở các trường dân tộc nội trú, bán trú ở các cấp học. Tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí hàng năm tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức liên hoan văn hoá dân gian, trong đó có lồng ghép nội dung thi kể sử thi, không nhất thiết phải kể hoặc hát hết một trường đoạn mà chỉ là một phân đoạn của sử thi.

Tỉnh Gia Lai cũng có chính sách đặc thù cho các nghệ nhân kể, hát sử thi, tạo điều kiện thuận lợi để họ truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã tuyển chọn và làm các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân về sử thi Bahnar cho 15 cá nhân. Nghệ nhân sử thi Bahnar là những nông dân có trí nhớ và giọng hát kể đặc biệt. Họ có thể diễn xướng nhiều giờ liền, nhiều câu chuyện với niềm đam mê kì lạ. Dân làng càng nghe sử thi càng cảm thấy tự hào về dân tộc mình và có cùng cảm xúc với nghệ nhân đang diễn xướng.

Một tiết mục dân ca Bahnar “Rủ nhau đi hái rau rừng”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN.

Một tiết mục dân ca Bahnar “Rủ nhau đi hái rau rừng”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN.

Sử thi của người Bahnar được gọi là hơmon (hơamon) - đó là những câu chuyện dài, có khi đến dăm bảy đêm hát kể; nội dung kể về những chiến công của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử, dưới hình thức những huyền thoại. Sử thi Đăm Noi lần đầu tiên được phát hiện từ những năm 80 tại huyện Kông Chro (An Khê cũ). Tiếp đó, từ sau năm 2000 đến nay, các tác phẩm cùng loại đã lần lượt được tìm thấy ở các khu vực cư trú của người Bahnar, đã được biên dịch song ngữ và xuất bản.

Đến nay, ở tỉnh Gia Lai có hơn 20 nghệ nhân sử thi Bahnar tiêu biểu, sinh sống tại các làng thuộc các huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang và Kông Chro. Những nghệ nhân này đang sở hữu sống khoảng 70 tác phẩm sử thi dân gian của dân tộc mình. Nhiều câu chuyện trong số đó đã được khảo sát, sưu tầm và công bố như sử thi Dyông Dư, Dăm Noi, Diớ hao jrang, Bia Brâu, Atâu So Hle Kơne Gơseng, Diông Trong Yuăn...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước