Chiều 12/6, Khánh Ly từ Mỹ về Việt Nam dự buổi ra mắt cuốn tạp văn Đằng sau những nụ cười và bộ 5 đĩa nhạc mới của bà tại Hà Nội. Sách do Phương Nam và NXB Văn học ấn hành, còn 5 đĩa nhạc gồm Bên đời hiu quạnh, Hạ Trắng, Biển nhớ, Tình nhớ, Chủ nhật buồn do công ty Phương Nam phát hành, độc quyền trong 15 năm .
Nữ ca sĩ sẽ giao lưu xuyên Việt từ Hà Nội vào Huế, TP.HCM và Cần Thơ từ 12 đến 15/6.
“Tôi là người đàn bà bình thường”
“Khánh Ly viết hay và giàu cảm xúc” – bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Phương Nam, lý giải việc xuất bản cuốn sách Đằng sau những nụ cười. Đây là lần đầu Khánh Ly ra mắt ở Việt Nam với tư cách tác giả sách. Bà có giọng văn rất tự nhiên, đôi khi như lời nói.
Ca sĩ Khánh Ly bên cuốn sách và bộ đĩa nhạc mới ra mắt của bà.
Cuốn sách có 2 phần chính: chuyện đời ca sĩ Khánh Ly với một chuỗi những chuyến lưu diễn xách va li đi hết sân bay này đến phi trường kia, và thứ hai là chuyện đời của một người đàn bà bình thường với gia đình và những vấn đề thường nhật.
Với nhiều độc giả, phần thứ hai đáng tò mò hơn. Như Khánh Ly nói: “Tôi cũng giống như tất cả mọi người. Tôi cũng biết vui, buồn, sợ, ghen tuông, yêu chồng, yêu con, biết khóc, biết cười. Vấn đề là khóc nhiều hay cười nhiều, vui nhiều hay buồn nhiều thôi. Tôi là một người đàn bà bình thường như thế thôi”. Trở lại Việt Nam đã nhiều lần, bà ngày càng đến gần với công chúng hơn, không còn là mơ hồ như trong huyền thoại nữa.
“Tôi trở về Hà Nội sau 60 năm ở tuổi như thế này, mọi người thường nói, còn làm gì được nữa chứ?” – nữ ca sĩ chia sẻ. “Nhưng tuổi tác chỉ là con số mà thôi, quan trọng là trái tim, cảm xúc với cuộc đời còn không? Mình có đi tới hay không? Điều đó mới quan trọng”.
Hơn 100 khán giả đã đến dự buổi ra mắt sách, trong đó có nhà thơ Dương Tường, đạo diễn Trần Văn Thủy, vợ chồng họa sĩ Thành Chương… Khánh Ly chào riêng Dương Tường: “Tôi đang đọc một cuốn sách nhắc tới bác, không ngờ lại gặp bác ở đây. Ở Hà Nội có rất nhiều người tôi muốn gặp, nhưng có lẽ không bao giờ gặp được. Nhưng những gì không làm được ở kiếp này thì sẽ làm ở kiếp sau. Chắc kiếp sau, tôi sẽ không gặp bác Tường nữa”.
Khánh Ly khổ hay không khổ?
Chữ “khổ” nhắc đi nhắc lại trong cuốn Đằng sau những nụ cười. Rất nhiều lần ở mỗi chuyến đi, cứ ra khỏi nhà xách va li là bà lại kêu khổ. Vậy nhưng vẫn không dừng lại ở bất cứ hành trình nào, không có dấu hiệu gì mệt mỏi suốt hơn 40 năm qua. Không có dấu hiệu gì của người đàn bà đã 73 tuổi.
Vậy nhưng bà vẫn tự nhận: “Tôi là người may mắn khi ai cũng thương tôi. Người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà… ai cũng thương tôi”. Xét theo khía cạnh đó, Khánh Ly không khổ chút nào.
Nhà thơ Dương Tường và đạo diễn Trần Văn Thủy đến từ rất sớm để chờ đợi Khánh Ly.
Độc giả cũng sẽ ngạc nhiên khi Khánh Ly tiết lộ nhiều điều nhạy cảm về cuộc sống vợ chồng. Bà viết: “Đã là vợ chồng thì chuyện vợ chồng là đương nhiên, tại sao mình cứ phải né tránh? Cuối cùng qua nhiều ngày tháng thì đứa con mà cả hai đều không mong đợi ra đời”. Mặc dù vậy, về sau bà lại vô cùng thương yêu con cái mình.
Việc nhà văn Nguyễn Hoàng Đoan, chồng của Khánh Ly, qua đời tháng 1 năm nay , để lại cho bà nhiều hối hận. “Nói về người mình yêu, nói mãi cũng không hết chuyện, lúc nào trong lòng tôi cũng có một nỗi ân hận, tự thấy mình làm chưa đủ với chồng, mặc dù 40 năm mở mắt ra chỉ thấy chồng, trước khi nhắm mắt cũng chỉ thấy chồng”.
“Đến khi không còn thấy nhau nữa, tôi hối hận vì yêu chồng chưa đủ, đền bù cho anh chưa đủ, nhưng không phải vì thế mà tôi ngồi mãi trong căn phòng một mình. Tôi có một giọng hát không có gì xuất sắc nhưng nhờ tiếng hát đó mà tôi đi được khắp nơi, đến gần những người có cuộc sống không may. Đó cũng là ước muốn của chồng tôi. Tôi muốn dành những tháng ngày còn lại để làm những điều mình chưa làm trong đời”.
Bà nói, bây giờ nếu không đưa tiếng hát của mình đến với những người cần chia sẻ, hạnh phúc cũng như khổ đau, thì bà thấy những tháng ngày còn lại sẽ tẻ nhạt. Ca sĩ Quang Thành là người kéo Khánh Ly ra khỏi “một cái chết chậm rãi”, khích lệ bà đi hát để tiếp tục ước muốn của chồng. Họ bắt đầu bằng một đêm hát ở lễ Phục sinh vừa qua tại Mỹ.
“Không ai viết về mẹ hay như anh Sơn”
Cũng trong cuốn sách, Khánh Ly kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn. “Thời đó tôi nghèo lắm” – bà kể - “Không có tiền, sống trong một ngôi nhà ngổn ngang cùng một đám bạn trai nhưng tôi chẳng để ý đến ai cả. Tôi chỉ cần tiền thôi vì quần áo hay một đôi giày cũng không có mà đi. Hỏi anh Sơn thì anh bảo trong cuộc sống chỉ cần một tấm lòng, lúc đó tôi không hiểu, tôi còn nghĩ “tấm lòng để ăn à?”. Nhưng sau đó tôi mới hiểu là hãy sống tử tế với nhau”. Câu nói đó của Trịnh Công Sơn theo Khánh Ly đi suốt cuộc đời.
Người ta hỏi, làm sao bà hát Diễm xưa hay những bài Trịnh viết về một cô gái khác mà vẫn hay như hát về chính mình? Với bà, đơn giản bởi “Tôi thích cái đẹp, tôi yêu nhạc anh Sơn vì nhạc anh quá đẹp, quá hay. Tôi không thần thánh hóa đâu vì tìm được một người viết hay như vậy khó lắm. Dường như chẳng có bài nào anh Sơn viết cho tôi đâu. Ai nghe nhạc anh ấy cũng nghĩ thế hay sao ấy, thấy như bài hát đó viết cho mình”.
Khánh Ly lần lượt hát Quê hương, Để gió cuốn đi, Ca dao mẹ, Diễm xưa khiến khán giả xúc động.
Có thể Trịnh Công Sơn khiến nhiều người lầm tưởng. Ai cũng nghĩ ông có nhiều nàng thơ, ông dành tình yêu cho họ, nhưng với Khánh Ly thì: “Tôi nghĩ rằng anh Sơn không yêu ai đâu. Tôi là người gắn bó với anh thì hoàn toàn có thể nhận vơ vào mình, nhưng không phải. Tôi biết anh Sơn chỉ yêu mẹ mình mà thôi. Không thể không yêu bà được, bà đẹp lắm. Bà sinh ra những đứa con ai cũng đẹp cả. Tình yêu lớn nhất của anh Sơn là dành cho mẹ anh đó”.
“Tôi cũng không thấy ai viết về mẹ hay như anh Sơn. Lời mẹ ru, Ca dao mẹ…”. Khánh Ly đặc biệt thích Ca dao mẹ, trong buổi ra mắt sách, bà hát cùng Quang Thành ca khúc này.
Ngoài Trịnh Công Sơn, Khánh Ly thích nhạc của Dương Thụ, Phú Quang, Đỗ Trung Quân. Ở Mỹ, khi đi xe, bà không thích chạy xa lộ mà chỉ thích chạy đường quê vì ghét khung cảnh bê tông lạnh lùng. Có lần ở Australia, từ Sidney đi Melbourne 1.000km, tôi khóc đủ 1.000km vì bài Quê hương của Đỗ Trung Quân.
Một Khánh Ly đầy tự trào
Nhạc Trịnh làm nên một Khánh Ly ma mị, đó là vẫn là ấn tượng về bà qua hàng thập kỷ nay. Nhưng ngoài đời và trong sách, Khánh Ly đầy tự trào.
“Chị hát như không có một dấu hiệu nào của tuổi già” – MC buổi ra mắt sách nhận xét. “Chứ chẳng lẽ tôi để anh thấy cái già của tôi à? – nữ ca sĩ đối đáp lại. Trong sự kiện, không ít lần Khánh Ly khiến khán giả cười rộ lên như vậy.
Trong cộng đồng Việt ở Mỹ, Khánh Ly cũng nổi tiếng nhờ… muối cà ngon. Bà nói: “Muốn chia sẻ với người nghèo thì tôi phải có tiền chứ? Thế nên tôi muối cà tôi bán cho mọi người ăn. Mọi người nghĩ sao nếu tôi trở thành bà bán cà? Mọi người đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó có thương hiệu Mắm cà bà Mai nhé”.
|
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!