Thời gian vừa qua, nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử, danh nhân... được sản xuất, trong đó có nhiều tác phẩm giành giải ở các kỳ Liên hoan phim, với chi phí sản xuất lên tới hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng một thực tế là hầu hết những bộ phim này chưa đến được với đông đảo quần chúng, gây lãng phí nguồn lực. Lý do là những cơ chế của phim Nhà nước vẫn là một khoảng trống.
"Từ xây dựng dự toán kinh phí đến triển khai cho đến nay đều không có quy định nào là phim Nhà nước đặt hàng cũng phải được quảng bá, tuyên truyền như phim khác", ông Vi Kiến Thành - Cục Trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTT-DL cho biết.
Trên thế giới, chi phí quảng bá cho một bộ phim nhiều khi tương đương với chi phí sản xuất, càng phim bom tấn lại càng như vậy. Đầu năm nay, bộ phim được Nhà nước đặt hàng - Đào, phở và piano - bất ngờ thành công nhờ hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội, càng cho thấy sự thiệt thòi của những bộ phim dùng ngân sách Nhà nước, dù cơ quan quản lý đã nỗ lực "cởi trói" cho cơ chế trong chính bộ phim này.
Sau đợt thí điểm với Đào, phở và piano, hiện tại việc phát hành, quảng bá phim Nhà nước lại quay về với cơ chế cũ. Kinh phí phổ biến phim hạn hẹp, hệ thống rạp chiếu của Nhà nước gần như không còn, muốn phim đến với đông đảo khán giả thì phải trông chờ vào rạp chiếu tư nhân. Thế nhưng, cơ chế hợp tác công tư lại đang thiếu khiến con đường đến với công chúng của các bộ phim Nhà nước càng thêm gian nan.
Tất nhiên, "có bột mới gột lên hồ", điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung nghệ thuật của phim. Nhưng cũng không thể để những tác phẩm hay phải “áo gấm đi đêm” hay “hữu xạ tự nhiên hương”, nhất là trong thời đại thông tin như hiện nay. Bộ VHTT-DL đang xây dựng đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trên không gian mạng. Đây sẽ là giải pháp thiết thực tháo gỡ điểm nghẽn, rộng mở đường cho khán giả đến với các bộ phim dùng ngân sách Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!