Cứ đến giao thừa là tôi rất… hồi hộp
Chào ca sĩ Lệ Quyên, sau nhiều năm sinh sống ở TP.HCM, chị thích đón Tết ở miền Bắc hay miền Nam?
- Người miền Nam rất phóng khoáng, Tết là thời gian họ nghỉ ngơi, có những người đưa cả gia đình đi du lịch xa nhà. Ở miền Bắc thì mọi người thường ở nhà dịp Tết, đi chúc tết họ hàng, anh em, đi chùa cầu an nhiều hơn. Tuy nhiên, ở đâu thì cũng thấy sự rộn ràng, ấm áp mà mọi người dành cho nhau bằng những cuộc gặp mặt thân tình. Cuộc sống ngày càng hiện đại thì Tết cổ truyền ở miền nào cũng được thu gọn, nhưng cứ khoảng thời gian 1 tuần trước Tết, gia đình nào dù bận cũng phải trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm, chọn đồ đẹp về nhà trưng bày, nói chung mọi người đều muốn ngôi nhà của mình ấm cúng, sạch sẽ để đón xuân về.
Những ngày gần Tết đối với Lệ Quyên diễn ra như thế nào?
- Đối với Lệ Quyên, gần Tết là những ngày không bận rộn, vì giáp Tết không có ai xem ca nhạc cả. Chúng tôi chỉ đi hát ở những sự kiện do các công ty tổ chức để tổng kết cuối năm nên không bận bằng những khoảng thời gian khác.
Tết ở nhà Lệ Quyên thì chính Quyên là người bận rộn nhất, đúng kiểu phụ nữ gia đình: Quyên để mặt mộc, không trang điểm, búi ngược tóc lên, đi dép lê đi siêu thị để mua sắm đồ. Dù mình có là ai, làm công việc gì thì mình vẫn là một bà nội trợ, lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Tôi cũng như bao người phụ nữ khác, cũng yêu thích căn bếp, cho dù có sự giúp đỡ của người khác nữa.
Nhưng tôi thấy rằng, trong thời gian Tết Nguyên đán, nghệ sĩ rất bận đấy chứ?
- Đúng vậy! Cận Tết những ngày như 29, 30 thì không bận nhưng khi Tết đã đến rồi thì tôi rất bận, thường thì tôi hát từ Mùng 1 Tết đến Mùng 7 Tết, Mùng 8 mới bắt đầu... nghỉ Tết. Lúc đó, tôi mới có thời gian đi chùa cầu an cho gia đình. Có năm thì nghỉ Tết tôi cùng gia đình đi nước ngoài xả hơi để sau rằm tháng Giêng lại bắt đầu công việc của mình. Tôi thấy, Tết cổ truyền dân tộc rất thiêng liêng, là dịp để những người bận rộn nhất cũng được nghỉ ngơi, gặp gỡ người thân, bạn bè.
Lâu rồi, Lệ Quyên có ra miền Bắc đón Tết không?
- Từ ngày lập gia đình và có em bé, tôi càng bận hơn, nhất là thời điểm Tết tôi đi diễn nhiều nên nếu ra Hà Nội thì cũng phải từ ngày mùng 8 Tết. Năm nào cũng thế, cứ vào ngày 28 hoặc 29 Tết thì tôi ra Hà Nội để chuẩn bị Tết cho mẹ mình, mẹ ở với các anh chị nhưng tôi vẫn về trước Tết để động viên mẹ.
Bolero là những cảm xúc xuất phát từ máu thịt
Những kỷ niệm nào ngày Tết mà chị không quên được?
- Năm 2015, tôi đi Mỹ nhưng lại bị rơi visa gần Tết mới làm xong, ngày đó, về đến Việt Nam đúng 30 Tết, chuyến máy bay quốc tế về TP.HCM chứ không có chuyến về thẳng Hà Nội. Tôi phải từ TP.HCM về Hà Nội thăm mẹ nhưng tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines đều hết chỗ, lúc ấy đã 12h trưa rồi.
Cũng may là sau đó, "book" được một vé "ké thêm" của một hãng hàng không nữa và về đến Hà Nội với mẹ là 16h. Năm đó, nhà có chuyện không vui nên mẹ không sắm sửa gì cả. 17h Quyên mới ra chợ Hôm mua bánh chưng, giò, hoa đào... Quyên về nhà nên mọi người vui hơn, tuy nhiên đó là "Giao thừa rơi tự do" mà tôi nhớ mãi, 19h về đến nhà Quyên ngủ luôn đến sáng hôm sau, rồi tiếc mãi một đêm Giao thừa.
Mọi người thường gọi Lê Quyên là "nữ hoàng Bolero" nhưng theo ca sĩ Bảo Yến, mọi danh xưng như: Nữ hoàng, công chúa, ông hoàng... đều là ảo tưởng hết, Lệ Quyên nghĩ sao về điều này?
- Bản thân tôi rất sợ các danh xưng nhưng nếu ai đó gọi mình bằng các danh từ đẹp vì họ yêu mến thì mình cũng đón nhận, không tự nhiên mình được yêu như thế. Chị Bảo Yến là một giọng ca không ai thay thế được, tôi tôn trọng ý kiến của chị Bảo Yến nói riêng và tất cả các cô chú, anh chị đi trước.
Họ đưa ra một nhận định thì họ phải có kinh nghiệm, tất nhiên không phải nhận định của cá nhân nào cũng đúng, nhưng với Lệ Quyên cảm ơn những danh xưng đẹp mà khán giả dành tặng mình nhưng "nữ hoàng Bolero" là cái áo quá rộng với tôi, tôi chưa đủ khả năng để nhận nó. Tôi cảm ơn vì được ghi nhận ở dòng nhạc này và hãy luôn dành cho Quyên tình cảm như vậy.
Theo chị, vì sao nhạc Bolero bây giờ lại được nhiều người yêu thích như vậy?
- Bolero là cốt cách nghệ thuật của người Việt Nam, không phải đơn giản mà mọi người yêu dòng nhạc này, cả khán giả trẻ cũng thích có lẽ vì họ được nghe những người trẻ như Quyên hay anh Đàm Vĩnh Hưng hát. Chúng tôi là ca sĩ của dòng nhạc trẻ hát Bolero nên nó không giống Bolero thuần túy, dòng nhạc này có điểm đặc trưng mà chỉ những người thực sự hiểu Bolero mới biết được. Bolero là những cảm xúc xuất phát từ máu thịt và tự tuôn ra, mà không ai dạy được. Không bắt chước được vì chỉ hát lại những câu họ đã từng hát, còn những câu mới thì... chịu.
Chị thấy thế nào khi hiện nay, nhiều ca sĩ muốn theo đuổi dòng nhạc Bolero như vậy?
- Âm nhạc là một vườn hoa mà ai cũng có quyền thưởng thức theo cách của mình, chỉ có điều là mình có lựa chọn đúng con đường âm nhạc mình đi hay không. Đặc biệt là Bolero, đừng có dại mà động vào khi mình làm không được. Nói thật là dòng nhạc Bolero không phải thể loại ai muốn hát hay là được mà Bolero cũng phải có chút bẩm sinh - không thể cố gắng hát Bolero theo trào lưu được, đó là dại. Dòng nhạc này là viên ngọc quý, tôi mong muốn ai cũng nhìn thấy sự long lanh của nó, cảm thấy mình phù hợp hãy thử nghiệm nhưng phải cân nhắc thật kỹ, vì khán giả dòng nhạc này họ thuộc hơn mình, có người hát hay hơn mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!