Festival nghề truyền thống Huế vừa được khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi. Năm nay, chủ đề của festival là Tinh hoa nghề Việt. Đây là một trong những sự kiện lớn để tỉnh Thừa Thiên Huế tôn vinh nghề truyền thống, quảng bá văn hóa và kích cầu du lịch tới du khách trong và ngoài nước, đồng thời nâng tầm ảnh hưởng cố đô Huế nói riêng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung.
Sức sống của các làng nghề phụ thuộc nhiều vào những người làm văn hóa và người dân. Cách đây hơn 10 năm, nghệ thuật pháp lam từng có nguy cơ bị thất truyền, ít ai biết đến vì chủ yếu sử dụng trong các công trình di tích Huế. Đây là loại hình sử dụng nghệ thuật tráng men lên cốt kim loại, với những màu sắc đặc trưng về văn hóa và thẩm mỹ của người nghệ nhân cố đô. Năm 2013, festival nghề truyền thống Huế lần đầu tiên giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng nghề này. Từ đó, công cuộc khôi phục nghề pháp lam được phát triển mạnh mẽ. Hiện những sản phẩm pháp lam đã trở thành hàng lưu niệm nổi tiếng của xứ Huế.
Kể từ festival truyền thống Huế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã được hồi sinh, đặc biệt là các nghệ gắn với du lịch như nghề chế tác nhà giường, hoa giấy, trúc chỉ..., đồng thời nhiều điểm đến hay không gian quảng bá nghề truyền thống đã được hình thành. Theo đánh giá của Bộ VHTT-DL, Huế là một điểm sáng trên toàn quốc về cách ứng xử với các làng nghề cổ.
Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, do khó khăn về thị trường, một số làng nghề của Huế đang có nguy cơ thất truyền như tranh giấy làng Sình, nghề làm diều Huế hay rèn Hiền Lương... Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống tại Huế không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về kiến trúc, lịch sử. Tận những những điều này, nhiều làng nghề đã nhanh chóng chuyển mình, bứt phá để tăng sức cạnh tranh với thị trường. Một trong những thành công là phát triển du lịch làng nghề.
Là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam triều Nguyễn, mảnh đất Phú Xuân Huế là nơi vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên bản nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó di sản góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế, in đậm trên các công trình kiến trúc vật thể và đời sống tâm linh của con người cố đô có lẽ chính là các làng nghề truyền thống Huế với bề dày lịch sử và kỹ xảo đặc trưng. Bảo tồn làng nghề không chỉ gìn giữ nghề truyền thống mà còn biết cách khai thác, kết nối và tiêu thụ sản phẩm, để người dân sống được bằng nghề truyền thống. Mô hình thành công của Huế có thể là lời gợi mở cho nhiều địa phương khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!