35 năm sau bộ phim hoạt hình Nàng tiên cá được yêu thích, phiên bản người đóng của phim đã chính thức ra rạp trước sự tò mò và háo hức của khán giả, đặc biệt là khán giả tại thị trường Bắc Mỹ. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên ra mắt tại đây, bộ phim đã gần chạm mốc 100 triệu USD (cụ thể là 96 triệu USD) - một con số khổng lồ đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà làm phim nào.
Ngoài ra, với 96 triệu USD, Nàng tiên cá của Disney cũng trở thành bộ phim có doanh thu mở màn cao thứ 5 trong lịch sử Lễ tưởng niệm tại Mỹ. Bộ phim dự kiến sẽ còn thăng hạng do Lễ tưởng niệm vẫn còn một ngày nữa mới kết thúc. Theo các chuyên gia, Nàng tiên cá phiên bản mới hoàn toàn có thể kết thúc ra mắt trong dịp lễ này với con số ấn tượng, lên tới 118 triệu USD sau 4 ngày ra mắt.
Tính riêng tại Mỹ, mặc dù là một bộ phim tuổi thơ nhưng chỉ có 22% trẻ em tới rạp. Trong khi đó, 68% khán giả là phụ nữ, 25% ở độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi.
Mặc dù doanh thu mở màn khá cao tại thị trường nội địa nhưng thực tế là kinh phí để sản xuất "bộ phim nhiệm màu" này lại không hề nhỏ. Chỉ tính riêng chi phí sản xuất, bộ phim đã tiêu tốn 250 triệu USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nàng tiên cá vẫn cần một chặng đường dài để thu hút thêm nhiều khán giả tới rạp hơn, đặc biệt là thu hút thêm khán giả ở thị trường quốc tế.
Trong 3 ngày cuối tuần, Nàng tiên cá thu về 68,3 triệu USD tại 51 thị trường quốc tế. Đây là một con số không đạt kì vọng của Disney. Có vẻ như so với Bắc Mỹ, những thị trường khác không quá hào hứng với phiên bản mới của bộ phim này. Một phần nguyên nhân được cho là bộ phim đã có những thay đổi quá khác biệt so với nguyên tác khiến khán giả quốc tế khó chấp nhận hơn.
Ở thời điểm hiện tại, Nàng tiên cá vẫn đang được công chiếu trên toàn thế giới với những phản ứng trái chiều, người khen kẻ chê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!