Nghệ sĩ giữa "đam mê và thu nhập"

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 12:08 GMT+7

VTV.vn - Ánh đèn sân khấu có sức hút thật đặc biệt với những nghệ sĩ, để rồi họ sẵn sàng chấp nhận nhiều vất vả để đổi lại những giây phút rực rỡ dưới ánh đèn ấy.

Thời cuộc đổi thay, nhiều trào lưu giải trí mới xuất hiện. Khi khán giả có thêm những lựa chọn cũng là lúc việc đổi mới sân khấu trở thành yêu cầu sống còn. Đã có những sáng tạo chạm tới khán giả, nhưng thành công không phải là một miếng bánh được chia đều. Cơm áo, gạo tiền vẫn luôn là gánh nặng với nhiều người nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ.

Một nghề nghiệp hoàn hảo cho bất kỳ ai có thể sẽ được nhìn thấy ở con đường phát triển: Xác định được đam mê - lập nghiệp dựa trên đam mê đó - có được sự nghiệp vững chắc. Khó khăn nhất có lẽ luôn nằm ở những bước chân trong giai đoạn lập nghiệp. Công việc toả sáng dưới ánh đèn sân khấu của những người nghệ sĩ cũng vậy. Bởi thực tế, một người có thể có nhiều đam mê nhưng chẳng ai có thể sống chỉ nhờ vào đam mê. Cuối cùng, đam mê đó cũng cần mang lại thu nhập.

Trước điểm mốc "đam mê và thu nhập" này, thường chỉ có 2 lựa chọn: Một là hoài nghi với đam mê mà mình đã lựa chọn để rồi thay đổi hướng đi; hai là tìm cách bám trụ, hoàn thiện mình và chờ đợi những cơ hội mới.

Nghệ sĩ trẻ bươn trải để "chi trả" đam mê

Phụ bếp, bán hàng thuê, xe ôm công nghệ... Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều những công việc hàng ngày của Vũ Văn Ngọc - diễn viên Sân khấu kịch Quốc Thảo. Ngọc làm những công việc này từ 6h sáng đến 6h tối hàng ngày, sau đó là thời gian dành cho đam mê. Và đam mê đó là công việc diễn xuất tại một sân khấu kịch nói.

Đã nhiều năm kể từ khi rời xa quê hương Nghệ An để vào TP Hồ Chí Minh theo đuổi ước mơ, đây vẫn là những công việc quen thuộc hàng ngày của Ngọc.

Nghệ sĩ giữa đam mê và thu nhập - Ảnh 1.

Ngọc làm thêm 3-4 công việc khác để theo đuổi đam mê.

Những trường hợp như Ngọc không quá hiếm gặp. Ở sân khấu kịch Quốc Thảo, rất nhiều diễn viên trẻ khác vẫn đang hàng ngày "lấy ngắn nuôi dài", mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau để nuôi dưỡng đam mê của mình.

Anh Võ Bá Phước - diễn viên Sân khấu kịch Quốc Thảo chia sẻ: "Lúc trước mình đi làm phục vụ cho các quán bên ngoài, bây giờ mình kiêm thêm cả công việc hậu đài để có thời gian nhiều hơn với sân khấu".

Nghệ sĩ Quốc Thảo - Sân khấu kịch Quốc Thảo cho biết: "Chúng tôi thường tập giờ khắc nghiệt, từ 9h đến 12h đêm, thậm chí đến 1-2h sáng vì các bạn còn phải đi làm những công việc khác. Bản thân mình cũng phải đi chạy show thêm để tích những cái vốn để đổ vào sân khấu, chứ tiền từ sân khấu là không đủ".

Nghệ sĩ giữa đam mê và thu nhập - Ảnh 2.

Buổi tối, Ngọc cũng như nhiều anh em khác lại trở lại với đam mê của mình.

Dù những nguồn thu nhập vẫn còn bấp bênh, thế nhưng những nghệ sĩ kịch nói vẫn luôn giữ lửa với đam mê của mình, sống trọn vẹn với từng phút giây được cống hiến trên sân khấu.

"Những tràng vỗ tay, cảm xúc của khán giả là động lực cho con đường của mình" - anh Võ Bá Phước bày tỏ.

Cuộc sống với 2 phiên bản - sân khấu và đời thực

"Lấy ngắn nuôi dài" luôn là cách làm dễ thấy của những người trẻ lập nghiệp chờ thời, nhưng với những nghệ sĩ trẻ nói chung, họ còn có những khó khăn riêng.

Với nhiều người, đứng dưới ánh đèn sân khấu, họ có thể đang phải sống một cuộc sống với 2 phiên bản - một phiên bản lấp lánh của người nghệ sĩ trước công chúng và một phiên bản đời thực. Điều đáng nói, thường phiên bản đời thực sẽ ở tầng thấp hơn.

Nghệ sĩ giữa đam mê và thu nhập - Ảnh 3.

Hoa hậu Nông Thúy Hằng - Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 - từng chia sẻ trong một chương trình rằng, sau khi đăng quang Hoa hậu, cô nghèo hơn ngày xưa. 

Trước khi trở thành Hoa hậu, Thúy Hằng chưa bao giờ xách túi hiệu. Khi đăng quang đi đâu cũng phải chú trọng, đầu tư đến hình ảnh hơn từ quần áo, túi xách... Số tiền kiếm hơn được nhiều nhưng chi tiêu cũng nhiều hơn.

Chấp nhận vất vả để sống trọn đam mê

Chẳng ai có thể sống mãi với 2 phiên bản "sân khấu" và "đời thực". Nếu 2 phiên bản này mãi vẫn không gặp nhau ở cùng một tầng, nó sẽ là nguồn cơn của khủng hoảng cá nhân, thậm chí là những sa ngã khó mà gượng dậy nổi.

Trong cuộc sống thường ngày, có khái niệm "Nghề tay trái", nó thường để chỉ những công việc làm thêm với một mục đích ngắn hạn hơn và thường là để bù đắp những gì còn thiếu mà "nghề tay phải" chưa làm được, ví dụ như mục đích tăng thu nhập.

Và có một thực tế, người ta càng yêu công việc chính bao nhiêu thì lại càng nghiêm túc với "nghề tay trái" bấy nhiêu. Bởi công việc chính là đam mê, còn nghề tay trái là điều kiện để theo đuổi đam mê ấy. Với nhiều người nghệ sĩ, ngọn lửa với nghề của họ cũng đang được nuôi dưỡng như thế.

Nghệ sĩ giữa đam mê và thu nhập - Ảnh 4.

Nghệ sĩ xiếc Hồng Thúy làm thêm nghề tay trái.

Huy chương vàng liên hoan xiếc quốc tế, Huy chương bạc liên hoan xiếc toàn quốc và huy chương vàng công chúa xiếc tại Nga. Gắn bó với nghiệp xiếc gần 23 năm nay, với một sự nghiệp đầy vinh quang, nhưng để nuôi đam mê với xiếc, diễn viên Hồng Thuý (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đã lựa chọn cho mình một công việc khác ngoài những giờ diễn của mình.

Diễn viên Hồng Thuý chia sẻ: "Thu nhập tại liên đoàn của cả vợ chồng mình là không đủ để trang trải, mình đã bắt đầu đi dạy. Cũng mệt bởi vì những lớp học thường bắt đầu vào giờ nghỉ sau giờ diễn".

Nghệ sĩ giữa đam mê và thu nhập - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Hồng Thúy và đồng nghiệp Phạm Thị Hướng trong tiết mục xiếc "Đu son"

Với mức thu nhập tốt hơn, diễn viên Hồng Thuý coi đây như một hướng đi cho tương lai sau khi giã từ sự nghiệp xiếc. Không chỉ các diễn viên xiếc, với mức thu nhập hàng tháng tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay, các diễn viên hầu như đều phải tìm kiếm cho mình những cơ hội bên ngoài vừa để nuôi đam mê, vừa để lo cho cuộc sống tương lai, cuộc sống sau khi lớp màn nhung khép lại với họ.

Chấp nhận vất vả để đổi lại những giây phút cảm xúc trên sân khấu. Đây là cách nhiều nghệ sĩ đang sống trọn với đam mê đời mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước