Gặp nghệ sỹ Phan Thanh Liêm ở một quán cà phê nhỏ vào những ngày đầu hạ, anh nói, anh vừa trải qua những ngày tháng bận rộn với hai sân khấu múa rối nước thu nhỏ tại gia đình, sau một quãng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Với anh, được đón lại những đoàn khách quốc tế trở lại Việt Nam, tìm hiểu về môn nghệ thuật múa rối nước sau hơn hai năm gián đoạn là niềm vui lớn.
"Trong hơn 2 năm đại dịch, chúng tôi làm trong ngành du lịch, ảnh hưởng rất lớn. Từ giữa tháng 3 năm ngoái, nước mình mở cửa trở lại, tình hình mới đỡ hơn. Hai sân khấu nhỏ của tôi ở cả Khâm Thiên và Thạch Bàn đều hoạt động. Sân khấu Khâm Thiên đón đoàn đông nhất 16 người, còn Thạch Bàn thì khoảng 40 người. Cuối năm vừa rồi khách đông. Có những ngày tôi đón nhiều đoàn từ sáng đến tối", nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nói.
Các đoàn khách nước ngoài trải nghiệm nghệ thuật múa rối truyền thống tại sân khấu nhà nghệ sỹ Phan Thanh Liêm
Sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được đặt tại nhà của anh, với diện tích khiêm tốn. Anh chia sẻ, phần lớn khách đến sân khấu của anh là khách nước ngoài, những người không chỉ muốn xem những chương trình biểu diễn rối nước mà còn muốn tìm hiểu "đến nơi đến chốn" của môn nghệ thuật độc đáo này như cách làm con rối, trải nghiệm việc điều khiển rối, cuộc sống của một nghệ sỹ múa rối nước…
"Nhà tôi như một bảo tàng con rối, có con rối ông cha để lại và của tôi làm ra. Khách đến xem múa rồi, tự trải nghiệm điều khiển con rối, uống nước chè, ăn kẹo, ngồi nói chuyện truyền thống. Trò chuyện với du khách, tôi thường cảm ơn các cụ ngày xưa sáng tạo, từ mặt nước sân đình, từ những con rối vô tri vô giác làm nên các trò sống động", anh chia sẻ.
Là người đầu tiên thực hiện mô hình rối nước thu nhỏ, qua hơn 16 năm làm nghề, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã tạo dựng được một lớp công chúng riêng. Với ưu điểm là sân khấu nhỏ, gọn nhẹ, tiện lợi nên anh Phan Thanh Liêm có thể mang sân khấu múa rối nước thu nhỏ đi khắp nơi để biểu diễn. Trong nước anh đã tới nhiều trường học, các trung tâm trẻ em, nhiều ngày hội văn hóa, vùng sâu vùng xa. Ở nước ngoài, anh đã đi biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở khắp các châu lục.
Sân khấu nhỏ của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới
Tháng 8 năm ngoái, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm có chuyến lưu diễn tại Hàn Quốc trong gần 1 tháng theo lời mời của Nhà hát Joyful, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Trong gần 1 tháng tại xứ sở kim chi, các nghệ sĩ đã giới thiệu nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tại nhiều thành phố của Hàn Quốc. Nhóm của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cũng là một trong những đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc biểu diễn sau đại dịch.
Gần đây nhất, cuối năm 2022 anh được mời biểu diễn trong lễ mừng quốc khách của Đại sứ quán Arab Saudi.
Gian nan bảo tồn
Dù vui khi sân khấu nhỏ tấp nập trở lại nhưng anh Liêm cũng cho biết, công việc đòi hỏi anh cùng các thành viên trong gia đình nhiều thời gian và sức khỏe. "Ở Nhà hát mỗi người một khâu, nhưng tôi làm tất cả, từ chế tạo con rối, sắp đặt sân khấu, biểu diễn, trò chuyện với khách, biểu diễn xong lại đi lau nhà cửa, đón khách… Khi chưa xong đoàn này đã đến đoàn kia tới. Có ngày 4-5 đoàn. Rồi sửa chữa con rối, tự mình phải làm mọi chi tiết, rất vất vả. Trước khi biểu diễn ra đón khách, giao lưu với khách, giới thiệu nghệ thuật múa rối…".
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm tự tay làm những con rối
Trả lời câu hỏi của phóng viên về câu chuyện truyền nghề, Phan Thanh Liêm tâm sự, anh lo lắng vì nghệ thuật rối nước không hề "nhẹ nhàng", đòi hỏi lòng yêu nghề thực sự và nhất định "phải có sức khỏe". Mỗi buổi diễn kéo dài nửa tiếng, người nghệ sỹ phải làm việc liên tục. Biểu diễn con rối có sức cản của nước, mùa đông lạnh khiến chân tay đau nhức. Con trai anh dù lúc nhỏ rất thích múa rối nước nhưng đến lúc lớn, dù đang theo học ngành mỹ thuật, vẫn chưa muốn theo nghề của bố.
"Làm nghề này phải thực sự đam mê mới làm nổi. Miệt mài từ sáng đến tối. Nếu để kiếm tiền thì khó. Trước đây cũng một số người mở nhưng khó tồn tại", anh nói.
Anh chia sẻ, các nhà hát múa rối hay các phường rối hiện nay đều ít nhiều gặp khó khăn, có thể do địa điểm không tiện cho các khách du lịch, hoặc chi phí tốn kém trong khi số tiền thu về không nhiều.
"Lớp trẻ hiện nay phải lo cuộc sống, các em không đam mê nữa vì bình thường phải đi mưu sinh. Thỉnh thoảng mới có sô thì khó mà sống với nghề. Những phường rối, hay nhà hát phải ở các địa điểm du lịch thuận tiện thì mới có thể sống được. Giới trẻ nhìn vào sao dám đam mê".
Lo lắng nhưng anh không bi quan. Phan Thanh Liêm vẫn hàng ngày sáng tạo cùng với môn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Những ngày không có nhiều show diễn, anh đầu tư phát triển những trò, vở mới.
"Hồi được mời tham gia Hội diễn thể thao quân đội, , tôi bàn với các anh bên quân đội, lấy ý tưởng mang quân sự vào phần biểu diễn. Tôi làm bộ đội duyệt binh, xe tăng bọc thép đi vòn. Hôm đó có đoàn Quân sự của Nga đến sớm, diễn cho họ xem họ rất thích".
Gần đây, anh lồng ghép đề tài văn hóa giao thông vào các phần biểu diễn để vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục. Sắp tới ngày 1/6, anh dự kiến sẽ đem vở mới tới nhiều trường học, để các em nhỏ có thể tiếp cận với nghệ thuật truyền thống của cha ông thông qua các tiết mục có nội dung mới, gần gũi hơn.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Cha của anh chính là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của Nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước sử dụng. Ông cũng chính là "cha đẻ" của hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).
Theo GS Hoàng Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Phan Thanh Liêm là nghệ sĩ mang con rối đi nước ngoài nhiều nhất Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, gần như năm nào anh cũng có vài lần mang múa rối nước xuất ngoại, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Italia, Anh, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ… Có những chuyến đi của anh kéo dài gần 1 năm do các tổ chức quốc tế "đặt hàng". Anh như một "sứ giả văn hóa" thầm lặng quảng bá văn hóa Việt thông qua loại hình múa rối nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!