Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề

Phương Anh, Ngọc Hoàng-Thứ ba, ngày 12/12/2023 06:00 GMT+7

Lựa chọn bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn khó theo đuổi và kén người xem, những nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đang phải làm đủ mọi nghề để trang trải cho cuộc sống.

“Tuồng”, “hát bộ” hay “hát bội” là những cách gọi khác nhau chỉ một loại hình loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc. Song với sự tồn tại và phát triển của loại hình nghệ thuật này, những người nghệ sĩ Tuồng lại đang phải ngóng chờ từng ngày mức lương của mình được tăng cao để cải thiện đời sống.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô và cuộc sống “giật gấu vá vai”

Bén duyên với Tuồng vào năm 2014 khi Nhà hát Tuồng Việt Nam có đợt tuyển sinh, một cách vô tình, Đình Tiến (Bo Nguyễn, sinh năm 1994) đã có trải nghiệm xem Tuồng và đem lòng yêu thích ngay. Mặc dù tại thời điểm đó, Đình Tiến đang làm cho một công ty của Mỹ, song vì máu nghệ thuật trỗi dậy, anh đã xin nghỉ và theo học bộ môn này.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề - Ảnh 1.

Diễn viên Tuồng Đình Tiến hết mình với vai diễn trên sân khấu Tuồng. (NVCC)

Cũng giống như nhiều nghệ sĩ Tuồng khác, Đình Tiến cho rằng Tuồng là một môn rất khó để có thể theo học. 9 năm là quãng đường anh gắn bó với môn nghệ thuật này, cũng là một hành trình dài để chàng trai trẻ nỗ lực rèn luyện, bền bỉ với đam mê cháy bỏng của mình. 

"Thực sự khi bắt đầu học thì tôi như một người nước ngoài học tiếng Việt vì cách phát âm nhấn nhá của Tuồng rất xa lạ với tôi. Tuy nhiên, nhờ sự tận tình chỉ dạy của thầy bà mà tôi đã ngày một tròn vành rõ chữ tiến bộ hơn rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, hàng tuần tôi đều biểu diễn cố định vào tối thứ sáu và chủ nhật hàng tuần tại phố đi bộ 64 Mã Mây. Ngoài ra tôi cũng còn có các lịch diễn giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến khán giả trẻ, diễn Tuồng nhờ ký hợp đồng với các địa phương hoặc lễ hội”. - ĐìnhTiến chia sẻ.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề - Ảnh 2.

Tuồng là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian.

Tuồng đòi hỏi người diễn viên phải trau dồi nhiều về mặt kỹ năng. Bản thân bộ môn cũng có ý nghĩa văn hóa khi những câu chuyện trong các vở Tuồng đều phản ánh đời sống tinh thần dân tộc Việt một cách chân thực. Tuy vậy, công sức mà những diễn viên bỏ ra chưa được đền đáp một cách xứng đáng bởi mức lương của họ không thể giúp họ trụ được tại Thủ đô. Trung bình, với mỗi buổi biểu diễn của Nhà hát Tuồng Hà Nội, các diễn viên trẻ nhận được thù lao 200 nghìn cho vai chính, 160 nghìn vai thứ chính và 120 nghìn vai phụ. Đã có rất nhiều diễn viên trẻ buộc phải bỏ nghề hoặc những người ở lại không ít lần từng nghĩ mình sẽ không còn theo nghiệp diễn Tuồng nữa. 

Đề cập đến câu chuyện tiền thù lao, Đình Tiến chia sẻ: "Từ ngày bén duyên đến nay cũng có không ít lần tôi muốn dừng lại vì thật sự cuộc sống quá khó khăn. Và nó còn khó khăn hơn rất nhiều đối với một diễn viên Tuồng vì lương thấp, tính linh động công việc cũng thấp. Do đó, tôi gặp vấn đề tài chính khá lớn đặc biệt khi mình là một người đàn ông thì lại càng nặng hơn vấn đề kinh tế. Đôi lúc thi đấu ở vài cuộc thi trong ghế nhà trường hay ở Đoàn điều người đi diễn mà có sự ưu ái hơn cũng khiến tôi nguội lạnh với chính cái đam mê mình đang theo đuổi. Nhưng rồi cũng được các bậc tiền bối tiếp thêm ý chí, tôi lại vực lại tinh thần."

"Quan niệm của tôi là: ‘Hãy cháy với niềm đam mê rồi một ngày nào đó Tổ sẽ chứng giám và cho mình nhiều hơn những gì mình nghĩ’. Đó là điều mà đến thời điểm hiện tại tôi vẫn đang ở đây và biểu diễn hết mình, dù là vai chính hay vai phụ, chỉ với mục đích khiến khán giả thêm yêu Tuồng và nhớ tới tôi hay thậm chí nhớ được những gì tôi đã diễn trên sân khấu" - Đình Tiến nói thêm.

Sống giữa Thủ đô, Đình Tiến đã phải làm thêm rất nhiều nghề để có thể nuôi sống bản thân và nuôi đam mê với nghề nghiệp. Bên cạnh vai trò của một diễn viên Tuồng, anh cũng trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng cho bản thân để có thể đảm đương vai trò của một Makeup Artist (Thợ trang điểm), biên đạo và quản lý Spa chăm sóc sắc đẹp. Tiến tự nhận thấy ở thời điểm hiện tại, người nghệ sĩ Tuồng cần linh động nắm bắt những cơ hội để có thể sống trọn đam mê với nghề và đảm bảo mức sống của bản thân. Những công việc làm ngoài giúp anh trong những hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn, phải xoay xở, lấy tạm chỗ này đập vào chỗ kia.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề - Ảnh 3.

Diễn viên Tuồng Đình Tiến kiếm tiền thêm với công việc thợ trang điểm. (NVCC)

Vào Nhà hát Tuồng Hà Nội cùng thời điểm với Đình Tiến, diễn viên Nguyễn Quỳnh Liên cũng phải lăn lộn với niềm đam mê nối gót từ truyền thống gia đình của mình. Liên chia sẻ, dù ông bà không phải nghệ nhân hát Tuồng chuyên nghiệp nhưng đều thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn tại nhà văn hóa của làng. Cô mong muốn mình có thể tiếp bước ông bà mình. 

"Động lực lớn nhất có lẽ cũng là vì ông bà mình. Thời điểm bây giờ, mọi người đều làm việc, nỗ lực kiếm tiền để cuộc sống ngày càng cải thiện. Việc mình theo Tuồng mục đích vẫn là kiếm tiền nhưng nghề không đáp ứng đủ thì mình phải bươn trải thêm nhiều nghề khác” - diễn viên Quỳnh Liên chia sẻ.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề - Ảnh 4.

Diễn viên Quỳnh Liên với vai Nguyệt Cô trong vở “Nguyệt Cô hóa cáo”. (NVCC)

Ngoài diễn Tuồng, Liên cho rằng phải đa di năng hơn với đủ mọi loại nghề: Hát, múa, nhảy, đánh trống… miễn có khả năng kiếm thêm thu nhập là cô sẽ tham gia. "Tuồng vừa mệt vừa khó, đã vậy còn kén người xem nhưng nó là văn hóa của Việt Nam. Mình rất mong muốn Tuồng ngày càng phát triển và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nhưng muốn các bạn trẻ quan tâm và học Tuồng thì rất mong lương của nghệ sĩ Tuồng sẽ tăng lên để đúng với công sức mà họ đã cống hiến” - cô chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Tuồng Thủ đô “giật gấu vá vai” để giữ đam mê với nghề - Ảnh 5.

Diễn viên Tuồng Quỳnh Liên (đứng thứ hai từ trái qua phải) kiếm thêm thu nhập bằng nghề múa. (NVCC)

Cùng chung mong muốn với Liên, Đình Tiến giãi bày nguyện vọng của mình và anh cũng nghĩ đây là nguyện vọng chung của tất cả những người nghệ nhân trẻ đang hết mình với bộ môn nghệ thuật dân gian: “Rất mong muốn được Nhà nước và nhân dân quan tâm hơn đến một bộ môn bác học của dân tộc. Mức lương được tăng và thù lao mỗi đêm diễn được tăng luôn là điều chúng tôi mong muốn, không mong được cao chỉ mong mức thu nhập đạt mức trung bình của khu vực Hà Nội”.

Tuồng là một loại hình nghệ thuật mang đậm nét đẹp văn hóa và tôn vinh truyền thống yêu nước giàu đẹp của dân tộc. Những người hiểu về Tuồng sẽ có thể xem Tuồng một cách say mê và thích thú hơn. Trong tương lai, hy vọng với sự quan tâm của Đảng và đông đảo quần chúng, đặc biệt là người trẻ trong việc làm mới, sáng tạo, những nghệ sĩ như Đình Tiến và Nguyễn Quỳnh Liên sẽ có thể yên tâm sống trọn với khát vọng cống hiến cho tổ quốc thân yêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước