Nghịch lý sách đa dạng hấp dẫn nhưng không còn quý giá như trước

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/10/2023 13:26 GMT+7

VTV.vn - Người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách/năm/người. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực và trên thế giới.

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần hình thành những con người mới có giá trị, tri thức, đạo đức và có lý tưởng, khát vọng cống hiến. Hàng năm, các địa phương trên cả nước đều tổ chức sự kiện để nuôi dưỡng văn hóa đọc. Ngay thời điểm này, Hội sách Hà Nội lần thứ 8, với chủ đề thắp lửa tri thức kiến tạo tương lai, đang được tổ chức tại khu phố đi bộ Hồ Gươm. Hội sách mang đến không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn cho độc giả.

Những hội sách đến hẹn lại lên là tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực duy trì và phát triển văn hóa đọc. Theo thống kê, mỗi năm ngành xuất bản cho ra đời khoảng 25.000 đầu sách. Tuy vậy, có một nghịch lý là khi sách tràn ngập, nội dung đa dạng hấp dẫn thì lại không còn quý giá như trước.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách/năm/người. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022 tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, số người thỉnh thoảng đọc sách là 44%, số người đọc sách thường xuyên chiếm 30%.

Thời đại công nghệ thông tin, Internet như một cuốn bách khoa toàn thư, chỉ cần gõ vào Google người dùng có thể biết cả thế giới. Nhưng trong "bể" thông tin này, sách mang một giá trị riêng có, một vị trí mà không thể thay thế. Bởi sách chứa đựng hệ ý thức mang tính hệ thống và tinh túy nhất. Để việc đọc sách không chỉ là trào lưu, cần phải thiết lập được một không gian đọc và tạo cơ hội cho các bạn đọc trẻ tiếp cận, nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị của việc đọc sách.

Nhiều quốc gia được mệnh danh là quốc gia đọc sách vì việc đọc sách thậm chí còn được luật hóa nhằm nuôi dưỡng tình yêu với sách cho từng cá nhân, điển hình như Nhật Bản. Người Nhật có thói quen đọc sách ở mọi không gian chờ, từ đường phố đến tàu điện ngầm. Thói quen này đã hình thành nên văn hóa đọc đứng. Trong khi đó, Ấn Độ đã thành lập Quỹ Thư viện hỗ trợ 15.000 thư viện nông thôn. Thời gian đọc sách trung bình của người Ấn Độ là 11 giờ/tuần…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước