Cách đây 8 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra chuyển biến tích cực và đổi mới với các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng cho đến nay, những nút thắt khó tháo gỡ vẫn còn tồn tại, được ví như một “chiếc áo chật” đang bó buộc những ngành kinh tế sáng tạo này.
“Có nhiều vướng mắc trong quy định hay văn bản quy định. Mặc dù chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý của thành phố. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vướng mắc về thủ tục trước và sau. Với những dự án lớn như vậy, chúng tôi cần có sự chuẩn bị trước ít nhất 1 năm. Chính vì thế, sự thiếu chắc chắn hay chậm trễ trong các thủ tục hành chính dẫn tới không đủ thời gian để chuẩn bị tốt cho công việc của mình”, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu, như phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế phục vụ quan trọng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách.
Mới đây, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức hội thảo tham vấn về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhằm lắng nghe các ý kiến đa chiều. Nhiều vấn đề nóng được xem là điểm nghẽn chính hiện nay như cơ chế phối hợp công - tư… đã được chia sẻ thẳng thắn.
Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đạt được một số hiệu quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Những chuyển biến trên cho thấy tác động hiệu quả thực tiễn của Chiến lược trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ chính sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!