Cuộc sống hiện đại dường như khiến con người vội vã hơn, làm nhanh, ăn nhanh, xem nhanh và cả đi nhanh. Nhiều người sẵn sàng băng qua đường dù ở các điểm không dành cho người đi bộ, chỉ để tránh việc phải đi bộ xa hay chờ đợi lâu. Nhiều người từ lâu đã xây dựng thói quen qua đường bằng kinh nghiệm, không quan tâm đến biển báo, luật giao thông, thậm chí cả tính mạng của mình hay người khác.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 3,42% số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người đi bộ qua đường không đúng quy định. Tỷ lệ này trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 2,2% và 2,86%, con số có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ lỗi cho người đi bộ thì liệu có đủ công tâm?
Chỉ tính riêng trên các tuyến phố Hà Nội, dễ bắt gặp một nghịch lý, đó là những cây cầu vượt bộ hành hay hầm đi bộ được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả. Nơi có thì người dân không dùng, nhiều nơi khác người dân cần thì lại không có.
Ở Việt Nam, để nâng cao văn hóa của người đi bộ, các cơ quan chức năng hiện gấp rút nghiên cứu hoàn thiện bộ quy tắc giao thông dành cho người đi bộ, đưa vào Luật An toàn giao thông và Luật Đường bộ, trình Chính phủ xem xét và có thể được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2024, đồng thời cần xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông, làn đường đảm bảo an toàn dành cho người đi bộ. Trong khi đi tìm lời giải thấu đáo cho bài toàn quy hoạch, câu chuyện này rất cần ý thức tự giác của người dân. Nhanh một phút, chậm cả đời, nếu luôn nghĩ như vậy thì sẽ bớt được những phút nóng vội gây ra điều đáng tiếc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!