Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa đi qua. Trong niềm vui chung của người dân cả nước được đón một cái Tết an vui sau hai năm dịch bệnh, các nghệ sĩ sân khấu cũng có niềm vui lớn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, sân khấu đầu năm hồi sinh mạnh mẽ, khán giả nô nức tới rạp. Nhiều sân khấu sáng đèn từ sáng tới đêm. Các suất diễn đều được lấp đầy từ 70 – 100% khán phòng. Năm nay, đường đua kịch Tết ở thành phố Hồ Chí Minh còn có sự tham gia của hai điểm diễn mới là Nhà hát Thanh niên và sân khấu Trương Hồng Mình. Số lượng sân khấu nhiều, đề tài phong phú và nhiều vở đã cháy vé. Thậm chí, nhiều vở đã tăng suất diễn để phục vụ nhu cầu khán giả ở mọi lứa tuổi.
"Các nghệ sĩ phía Nam rất sáng tạo và có sự năng động, bởi ở trong đó chủ yếu vẫn là chủ động xã hội hóa của các đơn vị nghệ thuật. Ngoài ra, họ luôn tìm tòi sáng tạo những tác phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của khán giả phía Nam, và có chiến lược phát triển khán giả riêng. Vì thế, họ được khán giả đáp ứng lại sự nỗ lực vô cùng to lớn của các nghệ sĩ", NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ.
Một số đạo diễn tại thành phố Hồ Chí Minh còn chia sẻ rằng lần đầu tiên họ có niềm tin kịch Tết có thể cạnh tranh với các loại hình khác như phim ảnh, ca nhạc. Đây là điều đáng mừng, nhất là trong giai đoạn không ít đơn vị nghệ thuật chật vật sau đại dịch. Khán giả vẫn ủng hộ sân khấu.
Trong khi đó, ở phía Bắc, lâu nay người dân không có thói quen đi xem kịch vào dịp Tết hay đầu năm mới mà thường phải rằm tháng Giêng mới khởi động khai Xuân. Tuy nhiên, với rối nước lại khác, các sân khấu này đã sáng đèn xuyên Tết. Năm nay, rối nước cũng hồi sinh trở lại, khác hẳn không khí vắng vẻ, ảm đạm như năm ngoái.
"Chính sự ủng hộ của khán giả cũng làm cho các nghệ sĩ hưng phấn hơn. Điều quan trọng là họ thấy rằng sự cống hiến của họ vẫn đang tiếp tục đồng hành với đời sống tinh thần của xã hội", NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết.
"Ở phía Bắc không thiếu tác phẩm có chất lượng nhưng chúng ta thiếu sự nhiệt huyết của người làm nghề với khán giả. Có nhiều tác phẩm của đơn vị công lập rất hay nhưng tiếp cận đến với công chúng còn hạn chế. Chúng ta chưa có sự nỗ lực trong truyền thông, chưa dám đầu tư cho quảng bá và giới thiệu tác phẩm. Việc giới thiệu tác phẩm không phải chỉ biểu diễn mà đôi khi còn phải có biểu diễn không nói tới việc có kinh phí. Phải có sự dài hơi ấy mới đem đến những đến hiệu quả là các đêm diễn có doanh thu cho nghệ sĩ", NSND Trịnh Thúy Mùi nói tiếp.
Khu vực phía Bắc là nơi tập trung nhiều sân khấu lớn của thủ đô, cái nôi của nhiều loại hình dân tộc đặc sắc nhưng lại bỏ trống một khoảng thời gian giải trí quý báu của khán giả là dịp Tết Nguyên đán. Với sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh thành công cũng phải nhìn nhận thẳng thắn các tác phẩm chưa đồng đều về chất lượng. Do đó, các đơn vị cần nhìn nhận những thiếu xót để có hướng đi phù hợp lâu dài trong bối cảnh khó khăn.
Để giữ lửa nghề và giữ chân công chúng, sân khấu đang đẩy mạnh tìm tòi những đường đi mới. Điều đáng mừng nhất là việc tìm tòi sự trẻ hóa từ nghệ sĩ đến khán giả. Mùa kịch Tết luôn là cơ hội để thăm dò người xem và những gì thể hiện đầu năm khiến công chúng có thể lạc quan kỳ vọng về một năm có nhiều khởi sắc của sân khấu nước nhà. Việc giữ chân công chúng cũng không dễ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dốc lòng chinh phục khán giả. Khán giả sẽ không quay lưng với sân khấu nếu ở đó luôn có kịch bản, vai diễn khiến họ rung động và đồng cảm.
Sôi động sân khấu dịp Tết Nguyên đán VTV.vn - Nhiều sân khấu được mở trong dịp Tết cổ truyền vừa qua đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc với các loại hình nghệ thuật sân khấu, đặc biệt tại các thành phố lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!