Ông Nguyễn Đăng Thắng, Trưởng Phòng VH-TT TP Huế, Phó Trưởng ban tổ chức Festival nghề cho biết đây lần thứ 6 UBND TP Huế tổ chức Festival nghề vào năm lẻ (2 năm làm 1 lần). Đây là năm mà các cơ sở nghề của Huế chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong 41 cơ sở tham gia thì Huế có đến 30 cơ sở. Những kỳ trước Huế chỉ chiếm 1 nửa. Nhiều nghề mới tại Huế như Đèn lồng thủ công, Trúc chỉ… dự kiến sẽ đem tới các sản phẩm đẹp, đặc sắc.
Kế thừa thành công năm kỳ Festival nghề Huế 2013 với lần đầu tiên nghề Dệt Zèng ở huyện miền núi A Lưới – Huế tạo cho du khách nhiều bất ngờ, thú vị. Năm nay, ban tổ chức sẽ mở rộng không gian trình diễn nghề cho các nghệ nhân dệt Zèng tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Trình diễn thời trang thổ cẩm dệt Zèng kết hợp với nghệ nhân ngồi dệt trên sân khấu Festival nghề truyền thống Huế 2013
Trên các sân khấu biểu diễn của Festival sẽ đưa nhiều họa tiết, đường nét của dệt Zèng vào – kết quả của chuyến trải nghiệm tại vùng A Lưới của nhiều nhà thiết kế Huế trước tết 2015 vừa qua. Nghề dệt độc đáo này cũng chính là điểm nhấn của đêm lễ hội thời trang do Nhà thiết kế Minh Hạnh làm tổng đạo diễn kỳ Festival nghề trước.
Một bộ sưu tập 12 bộ trang phục các vua quan trong triều đình nhà Nguyễn đóng đô tại Huế (1802-1945) mượn từ một nhà sưu tập Huế có tiếng và từng bỏ nhiều công sức tìm kiếm, mua lại từ các tỉnh thành sẽ được trưng bày nhằm nêu bật lên độ tinh xảo sản phẩm thủ công truyền thống cung đình xưa của cha ông.
Với không gian chính là các nhà rường trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đoạn từ công viên Tứ Tượng đến nhà sách Phương Nam, Bảo tàng Văn hóa Huế; công viên 3/2; sân khấu Bia Quốc Học… sẽ có nhiều hoạt động sẽ diễn ra liên tục từ 28/4-3/5. Đáng chú ý là Lễ khai mạc vào 20h tối 28/4 và Chương trình biểu diễn thời trang của các nhà thiết kế hàng đầu một số nước ASEAN (Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam) vào 20h tối 29/4 tại sân khấu Bia Quốc Học;
Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với nhiều nhà rường đẹp vừa được dựng lên từ chủ trương xã hội hóa sẽ là không gian chính xuyên suốt trong kỳ Festival nghề truyền thống Huế 2015
Lễ khai mạc Không gian Tôn vinh nghệ nhân và làng nghề - Không gian ẩm thực vào 16h chiều 28/4 tại Công viên 3/2, công viên Tứ Tượng; Lễ rước tôn vinh nghệ nhân và làng nghề - Lễ Bế mạc từ 16-20h tại Công viên Tứ Tượng – đường Lê Lợi – sân khấu Bia Quốc Học…
Nhiều chương trình hay, đặc sắc khác trong kỳ Festival nghề 2015 này như: Trưng bày bộ sưu tập trang sức cổ Việt Nam vào 8h ngày 28/4 ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đường Lê Trực; Trưng bày – thao diễn đúc đồng gắn liền với các tour du lịch sinh thái khai mạc 8h ngày 28/4 tại Trung tâm Trưng bày và giới thiệu sản phẩm đúc đồng phường Đúc, đường Bùi Thị Xuân; Ra mắt bộ sưu tập “Tinh hoa nghề Khảm xà cừ truyền thống” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vào 8h ngày 28/4 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đường Lê Lợi;
Trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của thành phố Saijo (Nhật Bản) tại Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Sở VH,TT&DL đường Phạm Hồng Thái; sản phẩm thủ công truyền thống của thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) và trưng bày áo Kimono (Nhật Bản) tại Bảo tàng Văn hóa Huế đường Lê Lợi.
Trong 6 ngày liên tiếp từ 28/4-3/5, khá nhiều chương trình đặc sắc sẽ đem đến không khí lễ hội đậm nét truyền thống Huế và các vùng miền tại đất cố đô
Một số hoạt động bổ trợ thú vị trong Festival như: Trưng bày, thao tác làm diều Huế, thả diều Huế vào các ngày diễn ra Festival tại Bảo tàng Văn hóa Huế và công viên Thương Bạc, Phu Văn Lâu; Chương trình âm nhạc đường phố tổ chức từ 17h-18h chiều 28/4-1/5 tại sân khấu Nhà Kèn của Công viên 3/2; Chương trình nghệ thuật chào mừng 40 năm ngày giải phóng - Liên hoan Rock tuổi trẻ và tuyên dương các nghệ nhân trẻ tiêu biểu vào 19h30 ngày 30/4 tại sân khấu Bia Quốc Học… dự kiến sẽ đem đến nhiều màu sắc đầy nét văn hóa cho Festival nghề Huế 2015
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.