Những bộ phim của Christopher Nolan vốn được biết đến là có chiều sâu và cần sự nghiền ngẫm, Oppenheimer cũng không ngoại lệ. Do đó, để tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc trong bom tấn điện ảnh này, đây là những điều bạn cần biết:
Những điều cơ bản về Robert Oppenheimer
Không ai thích bị tiết lộ trước nội dung phim, tuy nhiên đối với Oppenheimer, bạn nên hiểu những điều cơ bản về con đường của J. Robert Oppenheimer khi ông vừa trở thành một anh hùng và cũng vừa là nhân vật phản diện trong câu chuyện của chính mình.
Robert Oppenheimer là một nhà vật lý được giao phụ trách một dự án tối mật của chính phủ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Ông phục vụ chính phủ với tư cách là trưởng dự án cho Thử nghiệm Trinity tại sa mạc New Mexico. Đây cũng là phần nội dung được thảo luận chi tiết trong bộ phim của Christopher Nolan.
Tuy nhiên, vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8/1945 đã đánh dấu một bước ngoạt trong cuộc đời của nhà vật lý. Đó là khởi đầu cho một cuộc đời mới đầy đau khổ khi ông bày tỏ sự bất mãn của mình cũng như ước vọng cấm vũ khí hạt nhân. Đến tháng 10 cùng năm, Oppenheimer được cho phép gặp Tổng thống Harry Truman. Buổi gặp này diễn ra vô cùng tồi tệ, tới mức Oppenheimer tuyên bố rằng ông cảm thấy "bàn tay đã vấy máu" vì loại vũ khí hạt nhân này.
Sau sự kiện này, dự án Mahattan bước ra khỏi màn bí mật, Oppenheimer trở thành phát ngôn viên về khoa học, biểu tượng của loại quyền lực mới ở thời điểm đó. Tất cả quốc gia trên thế giới đều nhận ra thế lực hùng mạnh của vật lý hạt nhân và dần tìm kiếm chiến lược cho loại vũ khí này.
Oppenheimer - Phim dán nhãn R đầu tiên của Christopher Nolan sau 20 năm
Thưởng thức Oppenheimer vào ngày cuối tuần có vẻ như là một ý tưởng tuyệt vời cho chuyến đi chơi của gia đình, tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lại chuyến đi này và đừng mang theo con cái của mình. Nguyên nhân là do bộ phim đã được dán nhãn R cho một số "cảnh tình dục, khỏa thân và ngôn ngữ không phù hợp".
Đây là bộ phim R đầu tiên của đạo diễn Christopher Nolan sau 20 năm, kể từ Insomnia vào năm 2002. Những thành viên trong đoàn làm phim cũng tiết lộ rằng vị đạo diễn đã khá lo lắng về những cảnh quay tình dục "lần đầu tiên" của mình với hai diễn viên Cillian Murphy và Florence Pugh.
Cảnh phim đen trắng đan xen cảnh màu có chủ đích
Đúng với phong cách phim của Christopher Nolan, mỗi hình ảnh trong Oppenheimer đều được thể hiện một cách có chủ đích nhằm làm rõ ý nghĩa và chủ đề của phim. Cụ thể, trong bom tấn lần này, những hình ảnh đen trắng trái ngược với những hình ảnh màu được sử dụng để biểu đạt những khía cạnh khác nhau của lịch sử.
"Có hai mốc thời gian mà chúng tôi thực hiện trong bộ phim. Với những cảnh phim có màu, đó là trải nghiệm chủ quan của chính nhà vật lý Oppenheimer. Đây cũng là khía cạnh chủ đạo của phim. Còn lại là dòng thời gian đen trắng, thể hiện cái nhìn khách quan hơn về câu chuyện của Oppenheimer qua con mắt của người khác", Christopher Nolan tiết lộ.
Chỗ ngồi tốt nhất để xem 'Oppenheimer'
Chính đạo diễn Nolan đã hướng dẫn khán giả cách lựa chọn chỗ ngồi tốt nhất trong rạp để trải nghiệm tác phẩm điện ảnh lần này. Theo đó, ông cho biết: "Tôi thích ngồi ở giữa, khoảng một phần ba từ trên xuống. Với chỗ ngồi này, bạn sẽ ở ngay trên đường trung tâm với hình ảnh hoàn hảo, âm thanh tuyệt vời, đặc biệt là các âm trầm giống như được dội ngược về phía sau vậy".
Chú ý tới Einstein trong phim
Một bộ phim về nhà vật lý nổi tiếng (có lẽ) vĩ đại nhất lịch sử sẽ không đầy đủ nếu không đề cập tới "cha đẻ" của vật lý hiện đại - Albert Einstein. Trong phim lần này, Tom Conti là người đảm nhận vai diễn nhà vật lý Eistein. Ông xuất hiện với tư cách là một cố vấn và người bạn sát cánh với Oppenheimer.
Câu nói nổi tiếng trong Bhagavad Gita
Sau vụ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới, Robert Oppenheimer đã trích dẫn lại dòng thơ từ kinh thánh Hindu Bhagavad Gita như sau: "Bây giờ tôi đã trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt thế giới".
Năm 1965, trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình, ông tiếp tục nhắc lại câu thơ này, đồng thời nói thêm rằng: "Chúng tôi biết thế giới sẽ không còn như cũ nữa. Vài người cười, vài người khóc. Hầu hết mọi người im lặng".
Chuyển thể từ tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer
Christopher Nolan có thể đã sử dụng những ống kính của mình để tạo ra phép màu điện ảnh, tuy nhiên thực tế là Oppenheimer được xây dựng dựa trên cuốn sách từng đoạt giải Pulitzer mang tên American Prometheus. Cuốn sách được viết trong khoảng thời gian là 25 năm bởi các tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin.
Điều đáng kinh ngạc trong Oppenheimer chính là Christopher Nolan đã không sử dụng CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để tạo hiệu ứng. Điều này khiến khán giả vô cùng bất ngờ khi đây là bộ phim về vụ nổ của bom nguyên tử. Thậm chí, một số người bắt đầu suy đoán rằng liệu Nolan có thực sự cho nổ bom để hoàn thiện bộ phim hay không.
Để làm sáng tỏ "giả thuyết lố bịch này", Nolan chia sẻ trong bài phỏng vấn với The Hollywood Reporter: "Thật hãnh diện khi mọi người nghĩ rằng tôi có khả năng làm một việc gì đó cực đoan như thế, nhưng nó cũng hơi đáng sợ đấy".
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng Oppenheimer là bước đi đầu tiên của Nolan trong lĩnh vực phim tiểu sử. Đây cũng là bộ phim dài nhất của ông với thời lượng 3 tiếng 49 phút, vượt qua 2 tiếng 49 phút của Interstellar. Mặc dù thời lượng dài nhưng Oppenheimer vẫn thu hút hàng loạt khán giả trên toàn thế giới tới với rạp phim.
Hiện Oppenheimer đã có mặt tại các rạp phim trên toàn quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!