Nếu như trước đây các quầy sách ven đường chính là "thiên đường" cho sách lậu thì sự phát triển của mạng xã hội đã mang đến không gian mới cho sách giả nở rộ. Trên mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử, hiện có hàng ngàn trang kinh doanh sách trực tuyến, trong đó, có không ít sách thật, giả lẫn lộn.
"Vì người tiêu dùng mua trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới nên việc đấu tranh phát hiện, xử lý theo pháp luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Mua sắm trực tuyến đã trở thành điều quen thuộc với nhiều người dân, trong đó sách là một trong những mặt hàng mua bán phổ biến. Việc mua sách trực tuyến không xấu nhưng việc bán sách giả mới là xấu.
Nếu mua sách trực tiếp, người mua có thể dễ dàng phát hiện ra những sự khác thường về chất lượng hay nội dung. Tuy nhiên, điều này không dễ làm khi mua sách trực tuyến. Không chỉ vậy, việc truy nguồn gốc người bán trên mạng xã hội cũng rất khó khăn do tính ẩn danh. Không chỉ người mua mà chính các nhà xuất bản cũng khốn đốn với nạn sách giả, sách lậu được rao bán trên mạng.
Hiện nay, số lượng sách giả, sách lậu phát hiện được chỉ chiếm 0,4 % – 0,5% tổng số lượng sách được in. Trong khi con số thực tế cao hơn rất nhiều. Nhiều giải pháp đã được triển khai để xử lý sách lậu, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành rà quét các trang bán sách có dấu hiệu vi phạm trên mạng. Tuy nhiên, việc dẹp bỏ nạn sách giả cần sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau, như thanh tra văn hóa, công an, quản lý thị trường… Đối với người mua sách, nên chọn những nền tảng uy tín hoặc mua trên trang web chính thức của các nhà xuất bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!