Từ nhiều năm, một thú chơi mới hình thành với nhiều người dân thủ đô và các thành phố lớn, đó là thưởng hoa sau Tết. Chơi hoa là nhu cầu chính đáng, một nét đẹp trong văn hóa. Không có gì đáng bàn nếu không nhìn thấy ngập trên nhiều tuyến phố là các cành hoa lê, hoa mận… vốn dĩ khoe sắc ở núi rừng thì nay được chặt mang về xuôi.
Ngoài ra, nhiều loại cây hoang dã trên núi cao như đào chuông Yên Tử, đỗ quyên rừng, hoa tiêu Tây Bắc, Mộc lan, cũng bị khai thác trái phép, trở về xuôi để phục vụ thú chơi hoa độc lạ của người dân thành phố. Khác với các loài hoa ở dưới xuôi, dễ ươm tạo, dễ trồng, vòng đời hoa ngắn như cúc, hồng, thược dược hay violet…, hoa lê, mận, đỗ quyên rừng đều là những loài hoa nhỏ, muốn cắm hoa thì phải chặt hạ cả cành.
Theo các chuyên gia, những cành đỗ quyên này được trồng ở độ cao hàng ngàn mét, mất chục năm mới có thể ra được một cành. Vì thế, để bán được loài hoa này, người buôn hoa phải lên núi, chọn lựa cành, đẽo cây chở về xuôi. Do đó, đằng sau những cành hoa độc lạ từ rừng xuống phố là những vạt rừng xơ xác, những cây rừng bị chặt phá, cành lìa cây, cây mất cành. Đổi chục năm sinh trưởng của cây để lấy ít ngày thưởng thức hoa, cái giá này quá đắt.
Hầu hết các giao dịch mua hoa đỗ quyên rừng đều qua kênh bán hàng online. Đa phần người mua phải đặt trước, hoa được khẳng định đúng là hoa rừng tự nhiên. Đỗ quyên rừng được giao hàng sau một ngày đặt, giá không quá cao. Hoa lạ, cành mốc còn nguyên rêu là dấu hiệu để người bán khẳng định đây là hoa rừng. Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Hảo – Viện Quy hoạch điều tra rừng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những sản phẩm được rao bán đều đến từ rừng tự nhiên. Vậy đỗ quyên rừng đến từ đâu? Có người nói chung chung đến từ Tây Bắc, có người ghi rõ địa điểm huyện Quản Bạ, Hà Giang… Đa phần hoa đỗ quyên nằm trong danh mục 2a của Nghị định 06 năm 2019 về các loài hoa, động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Hiện tượng tiêu thụ hoa rừng này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ.
Cách đây khoảng 1 tháng, những cành đỗ quyên rừng xuất hiện trên các sạp hoa, kênh bán hàng online. Sau đó 2 tuần, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hatstag "Dừng mua hoa đỗ quyên rừng". Những tiếng nói bảo vệ cây rừng đã cất lên. Ngay lập tức, cộng đồng mạng lên tiếng khiến việc mua bán đỗ quyên rừng không còn phổ biến như trước. Các địa phương sở hữu các cánh rừng hoa cũng ra quy định về việc cấm chặt, buôn bán hoa rừng. Nhiều người bán hoa cũng đã quyết định dừng buôn bán hoa rừng.
Khi có người nói không với chặt phá cây rừng, hoa rừng là lúc hành vi này sẽ dần bị ngăn chặn. Ngừng mang cây rừng, hoa rừng tự nhiên về nhà là cách bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, ứng xử có văn hóa với thiên nhiên. Trong những năm gần đây, người dân Hà Nội có thêm một thú chơi hoa rừng nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đó là các tuyến phố với hoa ban khoe sắc rực rỡ.
Thưởng hoa là nét đẹp văn hóa. Người xưa trông trăng, ngắm hoa quỳnh nở, trồng khóm hoa hồng trong khuôn viên gia đình để thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm của hoa. Nhưng nay không phải ai cũng có điều kiện trông hoa nên mua hoa ở chợ về cắm cũng là thú chơi đẹp. Tuy nhiên, chọn loại hoa nào cho hài hòa với tự nhiên là quyết định thể hiện văn hóa của mỗi người. Những bông hoa rừng chỉ thực sự đẹp khi khoe sắc trên cây mẹ, trong không gian rực rỡ mà nó được sinh ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!