Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm điều chỉnh hành vi của những người làm nghệ thuật theo tinh thần nhân cái đẹp - dẹp cái xấu. Tuy nhiên, do không có giá trị pháp lý nên nhiều người lo ngại về hiệu quả của Bộ quy tắc này. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là làm thế nào để phát huy hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử? Đây cũng là một trong những chủ đề được bàn tới trong Vấn đề hôm nay phát sóng tối 14/12, với sự tham gia của chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành.
Sau nhiều tháng lấy ý kiến đóng góp của nghệ sĩ và công chúng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là bộ khung, đặt ra tiêu chuẩn để nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho chuẩn mực.
Trong Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả, có nêu rõ nội dung cần tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật; không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.
Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng cũng nêu một số nội dung như: Cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích... cho xã hội và đất nước. Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục
Ở nội dung nghệ sĩ hoạt động từ thiện, bộ Quy tắc ứng xử cũng đưa ra nhiều quy tắc như phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội. Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân...
Theo ông Nguyễn Đình Thành, mỗi ngành nghề đều có bộ quy tắc ứng xử riêng, dựa trên những quy tắc cơ bản của xã hội, trong đó xoay quanh một yếu tố là sự tôn trọng mình và người khác. Hiện tại, thời điểm ra đời bộ Quy tắc ứng xử cho người hoạt động nghệ thuật là phù hợp.
"Tuy bộ Quy tắc dành cho giới nghệ sĩ nhưng nó cũng có ảnh hưởng tới xã hội để cộng đồng hiểu về hành động đúng và sai. Bộ quy tắc cũng là điều cần thiết đối với những người có ảnh hưởng tới công chúng dù chúng ta sẽ cần có những văn bản giải thích rõ hơn nữa, hay công tác truyền thông nhiều hơn để bộ Quy tắc đến với những người thực sự có ảnh hưởng tới công chúng", ông Nguyễn Đình Thành cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thành cũng đưa ra một số yếu tố trong bộ Quy tắc cần được làm rõ hơn, điển hình như về đối tượng hay một số hành vi trên mạng xã hội.
"Trong bộ Quy tắc đưa ra là những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, cách hiểu thế nào là người làm nghệ thuật trong thời đại số đã khác xưa. Trong văn bản ghi người làm nghệ thuật là người làm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật… nhưng trong đó lại không nhắc tới giới văn học, nhà văn, nhà thơ có phải nghệ sĩ hay không? Hay những người làm sắp đặt ánh sáng có phải nghệ sĩ hay không?" - ông Nguyễn Đình Thành nói tiếp - "Điều thứ 2 là không có phát ngôn xúc phạm, làm người khác cảm thấy bị tổn thương nhưng phát ngôn giờ không nhất thiết phải là lời nói, nó có thể chỉ là một biểu tượng… vậy nên trong trong bộ Quy tắc chưa nói rõ về cách hành xử trên mạng xã hội như thế nào".
"Tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng hiểu không thể làm mọi việc cùng một lúc nên hiện tại bộ Quy tắc ứng xử sẽ tác động nhiều tới những người đang chịu sự quản lý của các đoàn thuộc Nhà nước".
Thời gian qua, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng mắc bệnh nan y giống nhau, như là u xơ, u nang, ung thư dạ dày, rồi may mắn được người quen giới thiệu, sau vài liệu trình là khỏi như cổ tích giữa đời thường. Đáng nói, đó là những sản phẩm đã bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật. Khi báo chí và dư luận lên tiếng phản bác, chỉ 1 vài nghệ sỹ nhận lỗi công khai.
Bên cạnh đó, chưa bao giờ, những mặt trái của hoạt động từ thiện được phân tích, mổ xẻ và tạo sự quan tâm lớn của dư luận như trong năm 2021. Hàng loạt nghệ sỹ phải đối diện với sự truy vấn của công luận về sự kịp thời, minh bạch, công khai của hoạt động quyên góp từ thiện. Đến nay, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra .
Tháng 6/2021, bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng được ban hành. Tiếp đó, hàng loạt rapper sáng tác ca khúc nhảm nhí dung tục bị xử phạt. Lần đầu tiên, một cựu người mẫu cũng bị xử phạt 7.5 triệu đồng vì nói tục chửi bậy trên mạng. Những động thái cho thấy sự chủ động, quyết tâm chấn chỉnh môi trường nghệ thuật từ phía cơ quan quản lý.
Để bộ Quy tắc ứng xử cho người hoạt động nghệ thuật phát huy hiệu quả trong đời sống, ông Nguyễn Đình Thành đưa ra 2 công tác quan trọng là giáo dục và truyền thông, trong đó giáo dục chiếm 80%, còn truyền thông là 20%.
"Cần đưa bộ quy tắc vào giảng dạy trong các trường nghệ thuật, ở mọi cấp, để nghệ sĩ trước khi ra trường hiểu rằng đâu là đúng, đâu là sai. Nhiều khi họ làm sai vì chưa bao giờ được dạy đâu là làm đúng. 20% còn lại là nỗ lực của truyền thông và nhận định của xã hội. Khi xã hội có phản hồi và truyền thông lên tiếng, nghệ sĩ buộc phải thay đổi", ông Đình Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Thành cũng cho rằng nên kết hợp 2 bộ quy tắc ứng xử do 2 cơ quan là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Điều đó sẽ làm công chúng hiểu về khái niệm ứng xử phù hợp trên không gian mạng, từ đó có điều chỉnh phản ứng phù hợp với những người mắc sai lầm trên mạng xã hội…
"Bộ quy tắc ứng xử không có tính chế tài nên chỉ có tính khuyến khích. Vì thế ngay cả với những người đang làm việc chịu sự quản lý của Nhà nước cũng chỉ có tính tham khảo. Còn với ngoài xã hội thì rất khó, tuy nhiên bộ quy tắc rất cần thiết để mọi người biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Lần đầu tiên, những điều đó được viết ra giấy trắng mực đen. Phía cuối, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng ghi tiếp nhận những đề nghị của quý vị để tiếp tục thay đổi. Tôi cho rằng đây là động thái rất đáng hoan nghênh của Bộ", ông Đình Thành cho hay.
Thời gian gần đây, có nhiều lùm xùm trong phát ngôn, ứng xử, và hoạt động của giới nghệ sỹ, giải trí Việt, cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Chửi tục, công kích, bôi nhọ nhau, rồi phát tán tin giả, phát ngôn chia rẽ, gây hận thù. Tất cả những hành động này đã làm mất đi hình tượng người nghệ sỹ trong lòng công chúng.
Thực tế, đa phần những người làm nghệ thuật nói chung và nghệ sĩ nói riêng đều hiểu về vai trò, trách nhiệm của mình và đang hàng ngày cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà, giúp người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Bộ quy tắc ứng xử thực tế không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là để xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Xét cho cùng, nếu những người mang danh làm nghệ thuật không xứng đáng với những giá trị chân - thiện - mỹ thì cũng sẽ bị công chúng loại bỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!